VNG cùng lúc có Tổng giám đốc và quyền Tổng giám đốc: Nhà đầu tư thắc mắc có sai luật?
VNG thông báo rằng, ông Wong Kelly Hong đang thực hiện theo sự phân công, giao nhiệm vụ từ ông Lê Hồng Minh để hỗ trợ điều hành, đảm bảo sự hoạt động công ty cũng như bảo vệ quyền, lợi ích của cổ đông VNG.
"VNG chưa nhận được đơn xin từ nhiệm của ông Lê Hồng Minh. Do đó, ông Lê Hồng Minh vẫn đang là Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của VNG, theo đúng quy định tại Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty," công văn của VNG nêu rõ.
Trước đó, tối muộn 6/9, VNG gửi thông cáo báo chí về việc ông Kelly Wong, Phó Tổng giám đốc VNG, sẽ đảm nhiệm cương vị quyền tổng giám đốc, đảm bảo các hoạt động của VNG tiếp tục vận hành ổn định và hiệu quả.
Việc cùng lúc VNG có 2 lãnh đạo giữ quyền tổng giám đốc (Wong Kelly) và tổng giám đốc (Lê Hồng Minh) khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi thắc mắc, rằng điều này có sai luật hay không.
Trả lời PV về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Tinh thông luật cho biết, theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005 thì một công ty chỉ được phép có một người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên Luật doanh nghiệp 2014 và đặc biệt là Luật doanh nghiệp 2020 đã cho phép một công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật.
Cụ thể, khoản 2 Điều 12 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:
"Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan."
Mặc dù Luật doanh nghiệp 2020 quy định, một doanh nghiệp có thể có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên quy định này chỉ được áp dụng đối với loại hình doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty cổ phần mà không áp dụng đối với Công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân. Trong trường hợp, công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty phải quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất 01 người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.
Như vậy việc VNG là Công ty cổ phần nên doanh nghiệp công nghệ này có hơn một CEO cũng không vi phạm bất kỳ quy định pháp luật nào hiện hành.
VNG được thành lập năm 2004, tên ban đầu là CTCP Trò chơi Vi Na (VinaGame), vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Qua nhiều lần tăng vốn, quy mô vốn của VNG lên mức hàng trăm tỷ đồng. Sau hai thập kỷ, VNG đã trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam, có lúc được định giá hơn 2 tỷ USD.
Cổ phiếu VNZ lên sàn Upcom từ đầu năm 2023, sau đó vọt lên hơn 1,56 triệu đồng/cp hồi giữa tháng 2/2023 và hiện ở mức 409.600 đồng/cp. Vốn hóa đỉnh cao là 2,3 tỷ USD và này là gần 12 nghìn tỷ đồng.