Vốn Nhật Bản bị vốn Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc "vượt mặt" ở Việt Nam
Vốn Nhật bị vượt mặt ở Việt Nam
Nhiều năm trước, Nhật Bản luôn là đối tác đầu tư số 1 của Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn dẫn đầu trong các ngành sản xuất chế biến, chế tạo, ô tô. Trong khi đầu tư của Hàn Quốc đang mở rộng từ bất động sản, công nghệ thông tin - điện tử và điện, điện tử. Trong khi các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan chủ yếu đầu tư vào hạng mục công nghiệp nhẹ, chế biến nông thủy sản...
Về cấp mới, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, tính đến 20/07/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà ĐTNN đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 11,58 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính lũy kế đến ngày 20/07/2023, cả nước có 37.839 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 452,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 285,58 tỷ USD, bằng 63,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Tính tới 20/07/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 11,58 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 0,3 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.
Theo Bộ KH&ĐT, hiện FDI đang đầu tư vào 18/21 ngành, lĩnh vực, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 10,93 tỷ USD, chiếm hơn 67,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 9,3% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,61 tỷ USD, chiếm hơn 9,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 49,8% so với cùng kỳ. Các ngành tài chính ngân hàng, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 1,53 tỷ USD (gấp gần 63,9 lần) và gần 737,6 triệu USD (tăng 40,2%). Còn lại là các ngành khác.
Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 31,1%) và điều chỉnh vốn (chiếm 55%). Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch GVMCP (chiếm 43%).
Trong 07 tháng đầu năm 2023, đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3,64 tỷ USD, chiếm hơn 22,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 15,5% so với cùng kỳ 2022; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 2,34 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư, giảm 28,2% so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,33 tỷ USD, chiếm gần 14,4% tổng vốn đầu tư, tăng 77,8% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan,...
Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,76 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ USD, chiếm hơn 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 96,5% so với cùng kỳ, tiếp theo lần lượt là TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương,…
Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (39,5%), số lượt dự án điều chỉnh (24,7%) và GVMCP (69%).
Vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN tiếp tục tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ. Các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Về đầu tư ra nước ngoài, trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 320,6 triệu USD (bằng 89,4% so với cùng kỳ).
Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu với 20 dự án đầu tư mới và 05 lượt điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 148,6 triệu USD, chiếm 46,3% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Ngành thông tin truyền thông đứng thứ hai với hơn 109,3 triệu USD, chiếm 34,1%; tiếp theo là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; tài chính ngân hàng…
Việt Nam đầu tư nhiều nhất vào Canada trong 7 tháng qua với 150 triệu USD, tiếp theo lần lượt là Singapore, Lào, Cuba,…
Tính đến hết ngày 20/7, Việt Nam có 1.655 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22 tỷ USD. Lĩnh vực tập trung vốn đầu tư nhiều của Việt Nam là khai khoáng với 31,7% số vốn, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15,6% số vốn.
Lào hiện chiếm 24,4% số vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam, tiếp sau là Campuchia chiếm 13,4% vốn đầu tư, Venezuela chiếm 8,3%. Ngoài ra, các thị trường khác như Mỹ, Canada cũng được doanh nghiệp Việt Nam cam kết đầu tư khá lớn.