Vốn nước ngoài tháo chạy khỏi nền kinh tế Trung Quốc, đâu là sự thật?
Trung Quốc trong con mắt nhà đầu tư Âu, Mỹ?
Báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc nhận định, sức hút đầu tư của Trung Quốc đang bị xói mòn. Gần 1/4 doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát cho biết đang cân nhắc chuyển các khoản đầu tư hiện có hoặc trong kế hoạch ra khỏi Trung Quốc, đây là tỷ lệ cao nhất trong 10 năm qua.
Gần một tháng trước, báo cáo khảo sát do Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung Quốc (USCBS) công bố cũng cho thấy tâm lý lạc quan của doanh nghiệp Mỹ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về môi trường kinh doanh tại đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Tâm lý bi quan này có thể được nhìn thấy rõ trong báo cáo khảo sát của USCBS công bố ngày 29/8. Theo đó, chỉ 51% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ lạc quan về triển vọng kinh doanh ở Trung Quốc trong 5 năm tới, thua xa so với tỷ lệ 69% vào cuối năm ngoái.
Ý kiến của 96% doanh nghiệp Mỹ và 75% của 1.800 thành viên Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc được khảo sát, đều đề cập nhiều đến chính sách chống Covid-19 quá quyết liệt của Bắc Kinh, khiến niềm tin về tính ổn định và công việc làm ăn của họ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Tuy nhiên, không chỉ tình hình dịch bệnh, báo cáo của Phòng Thương mại EU còn nói đến tính có thể dự báo, tính tin cậy và hiệu quả của thị trường Trung Quốc, tất cả đều đang sụt giảm. Chẳng hạn, sự cố mất điện đột ngột của năm 2021 hay hoạt động chỉnh đốn đột ngột của chính phủ đối với ngành công nghệ và giáo dục… đều khiến giới doanh nhân cảm thấy nhân tố bất ổn ngày càng nhiều.
Tính hiệu quả của các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc cũng bị đánh giá là đang suy giảm. Lợi thế kết cấu của “lợi tức dân số” mà Trung Quốc thụ hưởng từ trước đến nay đang “hạ nhiệt”. Ngoài ra, quan điểm của chính phủ và công dân các nước châu Âu đối với Trung Quốc cũng đã có sự thay đổi. Theo đó, các doanh nghiệp châu Âu sẽ không hoàn toàn tách rời Trung Quốc, nhưng tầng lớp lãnh đạo cấp cao của những doanh nghiệp này đang thảo luận ngày càng nhiều về chiến lược nguồn cung thay thế, theo báo cáo của Phòng Thương mại EU.
Vốn đầu tư nước ngoài có vào và có ra là bình thường?
Viện tài chính quốc tế (IIF) ngày 5/4 công bố báo cáo nhấn mạnh, các nhà đầu tư đang bán tháo tài sản tại Trung Quốc. Lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã xuất hiện tình trạng thoái vốn. “Điều này cho thấy thị trường đang chuyển tài sản ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”.
Đối diện với ồn ào “vốn nước ngoài tháo chạy” liên tục dấy lên trên thị trường, cũng như các cuộc thảo luận trên khắp thế giới về việc các ngành sản xuất chuyển ra bên ngoài, chuỗi sản xuất chuyển dịch… giới chức Trung Quốc đã nhiều lần hồi đáp.
Trong cuộc họp báo ngày 26/7, Vụ phó Vụ Quy hoạch của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc Diêu Quân cho rằng, việc các ngành sản xuất chuyển ra bên ngoài, chuỗi sản xuất chuyển dịch là một hiện tượng kinh tế bình thường, là kết quả của toàn cầu hóa và tác dụng của cơ chế thị trường.
Mặc dù một số doanh nghiệp nước ngoài đang thúc đẩy cục diện đa dạng hóa, nhưng xét một cách tổng thể, tốc độ đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc vẫn không chậm lại.
Ông Diêu Quân còn viện dẫn số liệu nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư nước ngoài của ngành sản xuất công nghệ cao trong 5 tháng đầu năm đã tăng 32,9% so với cùng kỳ, điều này cho thấy sức hấp dẫn của ngành sản xuất Trung Quốc hiện nay đối với các yếu tố tài nguyên khác nhau đang không ngừng gia tăng, ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài chủ động chảy vào các lĩnh vực trọng điểm, như sản xuất tiên tiến, công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường…
Ngày 12/5, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thúc Giác Đình cũng phản hồi về kết quả khảo sát liên quan đến “vốn nước ngoài tháo chạy” của Phòng Thương mại EU, nhấn mạnh dịch bệnh đã gây nên thách thức đối với kinh tế thế giới và chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc có “sức chống chịu mạnh mẽ, tiềm lực đầy đủ, dư địa ứng phó rộng, các mặt cơ bản tích cực dài hạn sẽ không thay đổi và sẽ tiếp tục cung cấp động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi và ổn định của kinh tế thế giới”.
Đồng thời, Bộ Thương mại Trung Quốc còn công bố một loạt số liệu cho thấy, tổng giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2022 của Trung Quốc đạt 487,61 tỷ NDT, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Trong đó, Hàn Quốc, Mỹ, Đức lần lượt tăng 76,3%, 53,2% và 80,4%.
Bên cạnh đó, giới truyền thông Trung Quốc cũng có sự đáp trả bằng các hình thức khác nhau đối với “thuyết vốn nước ngoài tháo chạy”. Một ngày sau khi Bộ Thương mại lên tiếng, Global Times đăng bài bình luận nhấn mạnh, “thị trường Trung Quốc rộng mở, vốn đầu tư nước ngoài có vào và có ra là hiện tượng bình thường”.
Đối với bộ máy ra quyết sách của các doanh nghiệp, suy cho cùng dịch bệnh chỉ là nhân tố ngắn hạn, phát triển thị trường mới là một sự sắp xếp trung và dài hạn cần phải cân nhắc thận trọng.
Bài bình luận trích dẫn số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh các mặt cơ bản tích cực dài hạn của kinh tế Trung Quốc không thay đổi, do đó quyết tâm đẩy mạnh mở cửa đối ngoại trình độ cao của Trung Quốc sẽ không thay đổi.
Dẫn lời Chủ tịch Chi nhánh Nam Kinh của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc Bernhard Weber nói rằng, ở mức độ rất lớn, vốn đầu tư nước ngoài chảy ra mang tính khẩu hiệu nhiều hơn. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nhìn thấy dữ liệu vi mô cụ thể. Các nhà máy của các thành viên thuộc chi nhánh Nam Kinh thuộc Phòng Thương mại EU hiện đã khôi phục toàn bộ hoạt động. Chủ tịch Bernhard Weber nói rằng Trung Quốc đã đạt được thành quả mang tính giai đoạn trong việc phòng chống dịch bệnh, nên xem ra hiện nay tình hình của rất nhiều công ty xuyên quốc gia ở Trung Quốc đã tốt hơn, điều này sẽ thúc đẩy họ cân nhắc lại bố cục toàn cầu.
Từ trước đến nay, “vốn nước ngoài tháo chạy” luôn là chủ đề nóng của kinh tế Trung Quốc, đồng thời cũng là một trong những không gian đọ sức thường xuyên nhất của dư luận Trung Quốc và nước ngoài.
Xét từ những dữ liệu do giới chức Trung Quốc công bố hiện nay, “vốn nước ngoài tháo chạy” mang tính chủ đích nhiều hơn, các mặt cơ bản về tình hình trao đổi ngoại thương của Trung Quốc không có sự thay đổi cơ bản.
Mặc dù vậy, những khó khăn gặp phải do các biện pháp chống Covid-19 quá quyết liệt đã đẩy nhanh ý định khiến “vốn nước ngoài tháo chạy” là thực tế không thể tranh cãi, cộng thêm tình hình kinh tế Trung Quốc suy giảm, khiến người ta nghe nhiều hơn tới xu hướng “vốn nước ngoài tháo chạy”, mang lại nhiều bất ổn hơn cho thị trường.
Như vậy, việc “vốn nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc” có thật có hư, nhưng trong giai đoạn kinh tế toàn cầu khó khăn như hiện nay, chỉ cần những tin đồn cũng đủ để làm lung lay niềm tin thị trường, khiến cho nền kinh tế số 2 thế giới gặp khó khăn hơn.