Vừa "lộ" lỗ 300 tỷ đồng, Bamboo Airways lên kế hoạch IPO vào năm 2020
IPO vào năm 2020
Bloomberg đưa tin hãng hàng không Bamboo Airways của Việt Nam kỳ vọng sẽ huy động 100 triệu USD từ đợt chào bán dự kiến vào năm tới để tăng tốc phát triển tại một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới.
"Số vốn thu được sẽ giúp chúng tôi mở rộng đội tàu bay để đáp ứng mong muốn chiếm lĩnh 30% thị phần trong nước vào năm 2020", ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch của hãng bay có trụ sở tại Hà Nội trao đổi với phóng viên Bloomberg qua điện thoại. Theo ông Quyết, hiện Bamboo Airways đang nắm khoảng hơn 10% thị phần.
Bloomberg đánh giá tầng lớp trung lưu của Việt Nam ngày càng lớn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7% đang giúp thu nhập của người tiêu dùng tăng từ đó có đủ chi phí để di chuyển bằng máy bay nhiều hơn. Bloomberg dẫn thống kê Cục Hàng không Việt Nam, năm 2018 các sân bay trong nước đón tiếp 106 triệu hành khách, tăng 13% so với năm trước đó.
Trả lời Bloomberg, ông Trịnh Văn Quyết cho biết Bamboo sẽ lên sàn trong năm tới sau khi IPO. Tuy nhiên, Bamboo vẫn chưa được quyết định sẽ niêm yết trên sàn nào.
Hiện tại, Bamboo Airways đang vận hành 10 tàu bay trên 25 đường bay cả nội địa và quốc tế. Trong tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký vào quyết định cho phép Bamboo có thể tăng đội bay lên 30 máy bay cho đến năm 2023. Đội bay gồm cả máy bay thân rộng và thân hẹp.
Theo thông cáo được đăng trên website của Tập đoàn FLC, tháng trước ông Quyết tuyên bố Bamboo Airways kỳ vọng sẽ trở thành hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam mở đường bay thẳng đến Mỹ vào cuối năm 2020.
Thua lỗ 300 tỷ đồng, thị phần nhỏ hẹp
Có thể thấy Bamboo Airways đang ôm những kỳ vọng rất lớn khi bay chưa đầy 1 năm. Bamboo Airways chính thức cất cánh vào ngày 16/1/2019 sau nhiều hoài nghi. Không lâu sau khi tấn công vào lĩnh vực hàng không, Bamboo Airways nhanh chóng đề xuất tăng số lượng máy bay. Tổng mức đầu tư dự án cũng được tăng lên 8.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trả lời về dự án tăng số lượng máy bay của Bamboo Airways, ban đầu Bộ Tài chính cho biết Bamboo Airways chưa có thuyết minh tính hiệu quả, phương án đảm bảo cân đối dòng tiền. Đặc biệt, Bamboo Airways đang gánh khoản thua lỗ khổng lồ. Tính đến 30/4, chỉ khoảng 3 tháng bay, Bamboo Airways đã thua lỗ 329 tỷ đồng.
Mặc dù dịch vụ của Bamboo Airways nhận được khá nhiều lời khen ngợi từ khách hàng nhưng thị phần của hãng hàng không non trẻ này vẫn rất khiêm tốn. Hiện tại có 72 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng không Việt Nam khai thác hơn 200 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đến 8 điểm ở Việt Nam nhưng thị phần chủ yếu thuộc về các hãng Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar Pacific.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng thị trường đạt khoảng 20,2 triệu khách, tăng 12,5% so cùng kỳ 2018. Trong đó, Vietjet đứng đầu với thị phần 44%. Đứng sau là Vietnam Airlines (35,9%), Jetstar Pacific (13,9%). Bamboo Airways chiếm "miếng bánh" rất nhỏ chỉ với 4,2%.
Việc giành thị phần của Bamboo Airways không phải là điều dễ thực hiện khi mà hai "ông lớn" Vietjet và Vietnam Airlines vẫn giành giật nhau từng "miếng bánh" nhỏ nhoi, từ đó gây áp lực đến các hãng nhỏ hơn.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu vận chuyển hành khách của Vietjet đạt 11.854 tỷ đồng, tăng 408 tỷ đồng, tương đương 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vietjet phải chứng kiến doanh thu nội địa giảm nhưng các đường bay quốc tế đã bù đắp cho Vietjet.
Trong khi đó, doanh thu từ vận tải hàng không của Vietnam Airlines cũng chỉ nhúc nhích nhẹ khi tăng 3,9%. Các con số này cho thấy trong thời gian sắp tới, cả Vietjet và Vietnam Airlines đều phải dành ngân sách không nhỏ cho chiến lược duy trì thị phần. Đây là rào cản lớn cho Bamboo Airways.