"Vượt rào" tìm hướng đi mới cho nông sản, nhiều người bị nói là... "khùng"
Nhắc đến Sóc Trăng hầu như ai cũng nghĩ đến vùng đất của con tôm, cây lúa bởi đây là một trong những địa phương có diện tích và sản lượng cả lúa lẫn tôm lớn nhất vùng ĐBSCL.
Điển hình như gạo ST25 đã được vinh danh là "Gạo ngon nhất thế giới" năm 2019 tại Philippines. Điều này càng cho thấy những tiềm năng và thế mạnh đáng kể của tỉnh về phát triển cây lúa.
Xuất thân từ nông dân, lại đam mê với trồng lúa, ông Tạ Minh Bé (Giám đốc Công ty TNHH MTV gạo hữu cơ nông trường Cá Bờ Đập, ở huyện Trần Đề) đã khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí nói ông bị "khùng", khi ông trồng lúa theo kiểu hữu cơ không giống ai. Trong khi nhiều người đang canh tác lúa theo cách cũ, sử dụng phân thuốc vô cơ thì một mình ông Bé lại "ngược hướng" làm lúa hữu cơ.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí cả thất bại, cuối cùng những sản phẩm lúa hữu cơ đầu tiên của ông Bé đã đạt chuẩn chất lượng. Các thửa ruộng lúa hữu cơ bắt đầu cho năng suất ngang ngửa với các thửa ruộng canh tác theo cách cũ. Đến lúc này, nhiều người mới thay đổi cách nhìn về ông.
Ông Tạ Minh Bé chia sẻ: "Tôi làm là tôi muốn giúp ích cho địa phương và quê hương mình. Nếu chúng ta làm tốt, có thành quả và lợi nhuận thì chắc chắn sẽ có nhiều nông dân theo, chứ không phải cứ quy hoạch vùng này vùng kia một thời gian rồi bỏ như những dự án treo".
"Nếu ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường, làm nông nghiệp sạch và tử tế thì chắc chắn thế hệ sau chúng ta sẽ được hưởng lợi, nền nông nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi. Nông sản Việt Nam cũng có chỗ đứng trên thị trường thế giới", ông khẳng định.
Cũng vấp phải sự phản đối của gia đình, bạn bè từ những ngày đầu bắt tay vào việc thực hiện ước mơ sản phẩm ba khía (một món ăn dân dã của người dân miền Tây), chị Phạm Thị Mới (chủ cơ sở chế biến sản xuất ba khía Cô Mới, TP Sóc Trăng) nghĩ rằng sẽ khó vượt qua được.
Chị Mới chia sẻ: "Lúc đầu gia đình ai cũng nói tôi khùng, họ hàng thì lời ra tiếng vào bảo đầu óc tôi có vấn đề vì ăn học cho nhiều vào mà không kiếm việc làm tử tế, lại đi làm cái món mắm ba khía "đậm mùi" như này. Nhưng nếu mình đã sợ thì không làm, làm thì không sợ, mà làm phải thành công".
Nhờ sự động viên, hỗ trợ của chồng, chị Mới có thêm động lực để thực hiện ước mơ của mình. Dù vậy, để sản phẩm được thị trường chấp nhận, trở thành sản phẩm đạt 3 sao OCOP của tỉnh, tất cả vốn liếng của 2 vợ chồng đều dồn vào cho việc thực hiện sản phẩm ba khía này, cũng như trải qua rất nhiều lần thất bại, rồi dần rút kinh nghiệm để đi đến thành công.
Theo ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng - chương trình OCOP được UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt ngày 20/5/2019. Mục tiêu đề ra đến năm 2030 là tiêu chuẩn hóa ít nhất 100 sản phẩm OCOP, trong đó có 12 sản phẩm đạt hạng 5 sao.
Kết quả, qua 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã công nhận 99 sản phẩm của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; trong đó, có 24 sản phẩm đạt 4 sao và 75 sản phẩm đạt 3 sao. Hiện tỉnh đang đề nghị Trung ương xem xét công nhận 8 sản phẩm đạt 5 sao.
Tuy nhiên, hiện nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng sản phẩm tốt, đặc trưng nhưng lại chưa được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước. Vì thế, tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất gắn với tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh,…
Ông Lâm Hoàng Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - khẳng định: "Kết nối cung cầu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tỉnh Sóc Trăng năm 2020 sẽ là một trong những tiền đề quan trọng góp phần đẩy mạnh kết nối các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các hệ thống phân phối lớn trên cả nước và hướng đến xuất khẩu".