WHO chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu trước dịch viêm phổi Vũ Hán
Động thái này của WHO diễn ra khi số ca nhiễm bệnh viêm phổi cấp do virus Corona đang tăng không thể kiểm soát. Hiện số ca đã lên đến hơn 8.200 ca và tính đến 23h30 ngày 30/1 theo giờ Việt Nam có 171 trường hợp tử vong ở Trung Quốc đại lục. Số quốc gia có bệnh nhân nhiễm virus Corona là 19 nước.
WHO mô tả trường hợp khẩn cấp là một "sự kiện bất thường" vì các quốc gia khác có nguy cơ đối mặt với sự lây lan nhanh chóng của virus Corona. Do đó, cần phải có phản ứng toàn cầu để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh này.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết "lý do chính để WHO đưa ra tuyên bố này không phải vì những gì đang xảy ra ở Trung Quốc mà là vì những gì đang xảy ra ở các quốc gia khác, các quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn, không sẵn sàng đối phó với dịch bệnh này".
"Chúng ta cùng nhau làm tất cả để ngăn chặn dịch bệnh này", Tedros nói, kêu gọi sự hợp tác trên toàn thế giới để hỗ trợ các nước đang phát triển, cùng làm việc, nghiên cứu vaccine kháng bệnh cũng như chẩn đoán, điều trị, xem xét các kế hoạch y tế công cộng.
Hội đồng WHO, do Didier Houssin của Pháp chủ trì, bao gồm 16 chuyên gia độc lập. Tuần trước. WHO họp hai lần, các chuyên gia đã quyết định không tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong khi họ tìm kiếm thêm thông tin từ Trung Quốc và chờ đợi bằng chứng về sự lây lan của virus từ người sang người ở các quốc gia khác.
Tuyên bố về tình trạng khẩn cấp toàn cầu kích hoạt các khuyến nghị đối với tất cả các quốc gia nhằm ngăn ngừa hoặc giảm lây lan dịch bệnh xuyên biên giới, đồng thời tránh sự can thiệp không cần thiết vào thương mại và du lịch.
Tuyên bố của WHO bao gồm các khuyến nghị tạm thời đối với các cơ quan y tế của các quốc gia trên toàn thế giới về đẩy mạnh các biện pháp theo dõi, chuẩn bị và ngăn chặn.
Mặc dù WHO không có thẩm quyền pháp lý để xử phạt các quốc gia song tổ chức này có thể yêu cầu các chính phủ các nước đưa ra các giải thích có tính khoa học cho bất kỳ quyết định nào về hạn chế đi lại hoặc thương mại mà các nước áp đặt trong trường hợp khẩn cấp quốc tế .
Tedros ca ngợi các hành động kịp thời của Trung Quốc nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và nhắc lại rằng WHO phản đối bất kỳ hạn chế thương mại hoặc du lịch nào.
Jeremy Farrar, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và Giám đốc của tổ chức từ thiện sức khỏe toàn cầu Wellcome Trust, cho biết quyết định của WHO là "hoàn toàn đúng đắn". Tuyên bố này "chắc chắn sẽ khiến chính phủ các các nước dành sự tập trung lớn hơn", ông Jeremy Farrar nói.
"Chúng ta phải đẩy mạnh nỗ lực cộng đồng quốc tế để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau - với tất cả các biện pháp can thiệp, bao gồm các biện pháp y tế công cộng, chẩn đoán, điều trị và vaccines có sẵn cho mọi người", ông Jeremy Farrar cho biết thêm.
Đây là lần thứ 6 WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Việc WHO tỏ ra cẩn trọng trong việc tuyên bố dịch do virus Corona là tình trạng khẩn cấp toàn cầu cũng dễ hiểu bởi tổ chức này đã nhận nhiều chỉ trích trong quá khứ khi sử dụng thuật ngữ này cho dịch cúm H1N1 năm 2009.
Tại thời điểm đó, WHO bị chỉ trích vì đã gây hoang mang, khiến mọi người đổ xô mua vắcxin chống H1N1 và sau đó phát hiện ra rằng H1N1 không nguy hiểm như đánh giá ban đầu.
Tuy nhiên năm 2014, WHO bị chỉ trích vì xem nhẹ mức độ nguy hiểm của dịch Ebola, đã càn quét các quốc gia Tây Phi, giết chết hơn 11.300 người tính đến thời điểm nó bị dập tắt vào năm 2016.
Trong 2 lần họp báo vào tuần trước, WHO đã từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. WHO cho rằng còn thiếu bằng chứng lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc.
Hôm 27/1, WHO thừa nhận "lỗi đánh máy" trong đánh giá nguy cơ toàn cầu của chủng virus gây chết người corona, đính chính từ mức "moderate" (vừa phải) ban đầu thành mức "high" (cao).
Trong thông báo đính chính, WHO đánh giá nguy cơ của virus corona là "rất cao" ở Trung Quốc, "cao" ở cấp khu vực, và "cao" ở cấp toàn cầu.