dd/mm/yyyy

Xây dựng sản phẩm OCOP ở Thái Nguyên: Chính quyền đóng vai trò kiến tạo

Thời gian qua, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đã tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo đó, chính quyền và các cơ quan chức năng đóng vai trò kiến tạo để khuyến khích, hỗ trợ người dân và các thành phần kinh tế chủ động tham gia.

Kết quả bước đầu

Là một huyện miền núi thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên, Định Hóa có địa hình khá phức tạp, tương đối hiểm trở; xen giữa các dãy núi đá vôi và đồi núi đất là những cánh đồng hẹp. Xuất phát điểm về kinh tế của người dân trên địa bàn còn thấp, sản xuất chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, tư duy sản xuất hàng hóa còn hạn chế, ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ phát triển kinh tế, tới xây dựng nông thôn mới và triển khai các sản phẩm OCOP.

Xây dựng sản phẩm OCOP ở Thái Nguyên: Chính quyền đóng vai trò kiến tạo - Ảnh 1.

Sản phẩm mì gạo Bao thai của HTX đảm bảo an toàn, sạch sẽ. Ảnh: Đồng Nghiệp

"Huyện Định Hóa đã xây dựng kế hoạch với mục tiêu đến năm 2025 toàn huyện có 17 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; đến năm 2030 có 29 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên và ít nhất có 01 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao".

Ông Ngô Quốc Tự

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân nơi đây, năm 2020, Định Hóa đã có 1 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, đó là sản phẩm mì gạo Bao thai Định Hóa của HTX chăn nuôi sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng (xã Kim Phượng). Ở Định Hóa, gạo Bao thai là đặc sản của địa phương, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu lương thực, người dân còn chế biến một số sản phẩm có nguồn gốc từ gạo trong đó có sản phẩm mì gạo.

Thương hiệu mì gạo Bao thai Định Hóa của HTX chăn nuôi sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng được phát triển trên cơ sở kế thừa các sản phẩm của địa phương gắn với việc xây dựng thương hiệu một cách bài bản. Bà Ma Thị Hằng - Giám đốc HTX, chia sẻ: Hiện nay, các thành viên trong HTX gieo trồng vài chục ha lúa Bao thai trên địa bàn xã Kim Phượng. "HTX bên cạnh việc trồng lúa, mua thóc chế biến gạo để bán, còn đặc biệt chú trọng tới việc chế biến mì từ loại gạo thơm ngon. Mỗi tháng chúng tôi tiêu thụ được khoảng 1 tấn mì thành phẩm, thị trường chủ yếu là Thái Nguyên và Hà Nội, chất lượng được người tiêu dùng đánh giá cao. Năm 2018, sản phẩm mì của chúng tôi đã tham gia sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực do Sở Công Thương tổ chức và đoạt giải. Năm 2020, sản phẩm mỳ của HTX đi tham dự sản phẩm OCOP của tỉnh và đạt được tiêu chuẩn 3 sao" - bà Hằng cho hay.

Chính quyền đóng vai trò kiến tạo

Ông Ngô Quốc Tự - Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Định Hóa, cho biết: OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân như doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX thực hiện. Huyện xác định, trong chương trình này, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại...

Theo ông Tự, trước mắt, huyện đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân gắn kết, liên kết với nhau, thành lập HTX, doanh nghiệp ở khu vực nông thôn, từ đó hỗ trợ các chương trình theo cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh, của huyện. "Với phương châm rõ ràng, kiến tạo và giúp đỡ các thành phần kinh tế một cách sát sao, hy vọng những năm tới, Chương trình OCOP ở Định Hóa sẽ có thêm nhiều sản phẩm đạt sao" - ông Tự bày tỏ. 


Đ. Nghiệp