Xây dựng trung tâm tài chính ở Việt Nam là vấn đề mới và chưa có tiền lệ
Chiều 28/3, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính phối hợp với UBND TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị “Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam”. Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Được và Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, năm 2025 được coi là năm bản lề của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, năm cuối của Kế hoạch 2021–2025, đồng thời là bước đệm chiến lược cho giai đoạn tăng tốc 2026–2030, hướng tới mục tiêu trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Để đạt mục tiêu đó, Việt Nam xác định Trung tâm tài chính là một trong những mũi nhọn chiến lược, là đột phá thể chế mang tầm quốc gia, giúp Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, huy động, phân bổ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, qua đó tăng sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu.
Xây dựng Trung tâm tài chính không phải của riêng TP.Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng, đó là “Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, triển khai quyết liệt, đồng bộ và đổi mới mạnh mẽ để bứt phá” như chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 47-TB/TW về xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, xây dựng trung tâm tài chính là một vấn đề mới, khó và chưa có tiền lệ đối với Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới trải qua một kỷ nguyên nhiều biến động, trật tự tài chính toàn cầu đang không ngừng dịch chuyển, các trung tâm tài chính cũng đang tái cấu trúc mạnh mẽ.
“Từ việc đơn thuần cung cấp dịch vụ vốn, sang trở thành nơi hội tụ đổi mới sáng tạo, công nghệ tài chính (fintech), tài chính xanh và các sản phẩm đặc thù cho thị trường ngách”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng nhận định Châu Á là khu vực phát triển năng động nhất thế giới hiện nay, với các trung tâm tài chính mới như Mumbai, Kuala Lumpur, Jakarta. Trong đó, Việt Nam, với vị trí địa chính trị quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, đang đứng trước "cơ hội vàng" để tham gia và định vị vai trò, vị trí của mình trong chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu.
"Với sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế và các doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ xây dựng thành công trung tâm tài chính hiện đại và đẳng cấp quốc tế, đóng góp vào sự phát triển ổn định và bền vững của khu vực và toàn cầu", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Theo ông Thắng, Việt Nam kỳ vọng xây dựng thành công một trung tâm tài chính hiện đại, đẳng cấp quốc tế, không chỉ là biểu tượng của sự thịnh vượng, mà còn là nơi khởi phát những đột phá về tài chính xanh, tài chính số, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của khu vực và thế giới.
Việc xây dựng Trung tâm tài chính không phải là nội dung mới trên thế giới nhưng đối với Việt Nam đây là vấn đề mới và chưa có tiền lệ. Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để lỡ mất thời cơ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng mong muốn, trung tâm tài chính tại Việt Nam sẽ kết nối và tham gia vào quá trình chuyển động mạnh mẽ của dòng chảy tài chính toàn cầu, mang tính chất bổ trợ với các trung tâm tài chính hiện có.

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Được cho biết thành phố có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
Thứ nhất, TP. HCM có nền kinh tế năng động, hội nhập quốc tế sâu rộng, đóng góp khoảng 15,5% GDP cả nước, chiếm hơn 25,3% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 11,3% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Thứ hai, TP. HCM là trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính lớn nhất Việt Nam, sở hữu cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, là nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các nhà đầu tư lớn. Thành phố đã có những thiết kế cơ bản cho thị trường tài chính hiện đại như thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán hạ tầng số và các ứng dụng tài chính công nghệ.
Thứ 3, TP. HCM có vị trí địa chiến lược quan trọng, kết nối với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Thượng Hải, Tokyo. Cuối cùng là sự quyết tâm chính trị và định hướng chiến lược rõ ràng từ Trung ương đến địa phương.
Chủ tịch Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho thành phố và cả nước, mà còn tạo ra sức lan tỏa đến các đô thị lân cận và cả khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là nền tảng để TP. HCM nâng cao năng lực quản trị đô thị, phát triển bền vững và mở rộng hợp tác toàn diện với các đối tác toàn cầu.