Xây nhà khang trang, sắm sửa nội thất hoành tráng, bỏ túi bạc tỷ từ trồng sầu riêng

23/09/2021 10:20 GMT+7
Với sự hỗ trợ vốn kịp thời của Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa và Agribank Chi nhánh huyện Khánh Sơn đã giúp cho nhiều nông dân làm giàu. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của tỉnh hiện đạt 5.481 tỷ đồng.

Nông dân "hốt" bạc tỷ từ trồng sầu riêng

Cũng như nhiều nông dân khác ở huyện Khánh Sơn, ông Đặng Tài Bảy (thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm) khởi nghiệp trên cánh đồng trống của mình bằng việc mạnh dạn đầu tư tiền của để trồng 3,5ha diện tích sầu riêng. Cây sầu riêng có một thời được ví von hái ra "vàng" của nông dân huyện miền núi và tạo ra việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương có thu nhập ổn định.

Theo nông dân Đặng Tài Bảy, do tình hình thời tiết nắng hạn, thị trường tiêu thụ chậm và dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của các nông dân. Năm 2009, nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn kịp thời của Agribank Chi nhánh huyện Khánh Sơn với 200 triệu đồng gia đình đã đầu tư cây giống, phân bón, các dụng cụ sản xuất. Bằng nghị lực, tinh thần cần cù lao động gia đình ông không những bám trụ với giống cây đặc sản này mà còn làm giàu và mở rộng diện tích đầu tư.

    Khánh Hòa: Tỷ phú sầu riêng của miền núi Khánh Sơn - Ảnh 1.

Nhờ vào nguồn vốn hỗ trợ kịp thời mà nhiều nông dân huyện Khánh Sơn đã vươn lên làm giàu ngay tại quê hương Ảnh: NHNN

Hiện tại, gia đình ông Bảy đã có trên 16ha diện tích sầu riêng. Từ đầu năm 2021 đến nay đã thu hoạch khoảng 230 tấn, giá bán 42.000 đồng/kg mang lại doanh thu trên 9 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi trên 5 tỷ đồng.

Năm 2007, từ vùng cao nguyên Lâm Đồng, gia đình ông Mai Văn Khang chuyển đến lập nghiệp tại xã Sơn Lâm. Ông đã dồn hết vốn liếng để mua 2,5 ha đất trồng cà phê. Lúc ấy, ở Khánh Sơn nói chung và xã Sơn Lâm nói riêng, cây sầu riêng đã bắt đầu phát triển với các mô hình của các hộ như: ông Cao Văn Sang, Đậu Dương Trần Nguyễn, Đặng Tài Hổ,…

Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại, ông Khang đã quyết định chuyển hướng làm ăn và đầu tư trồng sầu riêng. Để có vốn duy trì sản xuất, năm 2009 gia đình Ông đã vay vốn của ngân hàng Agribank Khánh Sơn.

    Khánh Hòa: Tỷ phú sầu riêng của miền núi Khánh Sơn - Ảnh 2.

Đặc sản sầu riêng của huyện Khánh Sơn được thị trường ưa chuộng trong thời gian qua Ảnh: NHNN

Ban đầu, ông trồng xen canh cây sầu riêng với cây cà phê theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, đến lúc cây sầu riêng bắt đầu cho trái bói thì thu hoạch rồi bỏ hoàn toàn cây cà phê để tập trung cho sầu riêng. Để cây sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt và cây cho năng suất cao không hề đơn giản. Yêu cầu đòi hỏi người nông dân cần có vốn đầu tư, nếu không có vốn thì xem như nhà nông thất bại.

Bên cạnh áp dụng các biện pháp do ngành nông nghiệp hướng dẫn, ông Khang còn học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để phát triển cây sầu riêng theo quy mô lớn. Đến nay, gia đình ông đã nhân rộng lên 6,5ha sầu riêng, năm 2021 gia đình thu nhập trên 1,4 tỷ đồng, trừ chi phí lãi trên 900 triệu đồng. Hiện tại, gia đình Ông đã xây được căn nhà khang trang và sắm sửa nội thất hoành tráng trong gia đình.

Tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho nhà nông

Theo lãnh đạo Agribank Chi nhánh huyện Khánh Sơn, việc đầu tư sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các mô hình có quy mô bài bản cần phải có nguồn vốn lớn. Chính vì đó, mà đơn vị luôn hướng dẫn các thủ tục kịp thời để người dân tiếp cận được nguồn vốn. Tính đến nay, tổng dư nợ đạt trên 135,5 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa và các Chi nhánh trực thuộc trong tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hộ cá nhân được tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng cây ăn trái, nuôi tôm công nghệ cao,...

    Khánh Hòa: Tỷ phú sầu riêng của miền núi Khánh Sơn - Ảnh 3.

Cứ đến mùa thu hoạch các xe máy cày rộn ràng vận chuyển sầu riêng từ vườn về các đại lý thu mua Ảnh: NHNN

Đại diện lãnh đạo Agribank Chi nhánh tỉnh khánh Hòa cho biết, trong tháng 8/2021 vừa qua, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01, Thông tư 03.

Đồng thời, đơn vị triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp lớn, nhỏ, vừa và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 5% - 10%/năm, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn phục vụ SXKD, cho vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu đời sống để hỗ trợ khách hàng vay vốn sớm vượt qua khó khăn trước dịch bệnh Covid-19. Do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên gần như hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều bị ngưng trệ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn khiến nhu cầu vay vốn giảm mạnh.

    Khánh Hòa: Tỷ phú sầu riêng của miền núi Khánh Sơn - Ảnh 4.

Sầu riêng sau khi thu hoạch được đưa về để xuất bán cho các thương lái trong và ngoài tỉnh Ảnh: NHNN

Tính đến cuối 8/2021, dư nợ hữu hiệu của toàn chi nhánh là 8.088 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 5.481 tỷ đồng, với 21.793 khách hàng, chiếm 67,76% tổng dư nợ.

Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn, thời gian vừa qua Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh thanh toán trực tuyến. Đây được xem là giải pháp tối ưu nhằm tránh tụ tập đông người tại các quầy giao dịch, hạn chế lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. 

Cụ thể, Chi nhánh thường xuyên vận động, khuyến khích khách hàng mở tài khoản trực tuyến trên thiết bị di động, thực hiện các giao dịch online qua các kênh ngân hàng điện tử: ATM, Agribank E-Mobile Banking, Internet Banking để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.


Công Tâm
Cùng chuyên mục