Xử lý nợ xấu: Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiết lộ những "nỗi khổ" của ngân hàng

Huyền Anh Thứ ba, ngày 24/05/2022 11:13 AM (GMT+7)
Tiếp tục kỳ họp thứ 3, sáng 24/5 Quốc hội nghe Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa uỷ quyền Thủ tướng trình kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Bình luận 0

Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết số 42, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.       

Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ năm 2012 – 2017).

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiết lộ những "nỗi khổ" ngân hàng

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trải qua gần 5 năm đi vào thực tiễn, các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi tắt là VAMC).

Việc thi hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Xử lý nợ xấu: Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiết lộ loạt khó khăn, ngân hàng "khổ" vì thuế, phí - Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: QH)

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các Bộ, ngành và địa phương.

Cụ thể, về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ xấu: Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu: Các phương pháp hướng dẫn tại hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam được áp dụng chung để thẩm định giá các loại tài sản mà chưa có quy định cụ thể về thẩm định giá các khoản nợ.

Do vậy, khi thẩm định giá các khoản nợ xấu, các doanh nghiệp thẩm định giá vận dụng khác nhau, gây khó khăn cho các bên trong việc lựa chọn mức giá tham khảo làm cơ sở xác định mức giá khởi điểm trong giao dịch mua bán nợ.

Về thực hiện quyền thu giữ TSBĐ (tài sản bảo đảm), khi khách hàng không hợp tác bàn giao TSBĐ, chống đối khi tiến hành thu giữ nhưng sự phối hợp các cơ quan chức năng trong một số trường hợp chưa kịp thời (như xác minh thông tin khách hàng, hỗ trợ thu giữ TSBĐ)… dẫn đến việc thu giữ thường không đạt được kết quả.

Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự chưa có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết để TCTD, VAMC tham khảo xác định TSBĐ có đủ điều kiện để thu giữ hay không. 

Đồng thời, các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp còn có cách hiểu khác nhau về tài sản tranh chấp, tài sản đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, gây khó khăn cho TCTD, VAMC khi áp dụng quy định về thu giữ tài sản theo Nghị quyết số 42.

Thực tế là chưa có hướng dẫn cụ thể để xử lý đối với các trường hợp tài sản bị thu giữ có các tài sản khác nằm trên hoặc nằm trong mà bên bảo đảm hoặc bên thứ ba không tự nguyện dời đi, dẫn đến TCTD gặp nhiều khó khăn, phát sinh chi phí cho việc xử lý các tài sản này.

Về áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ giao TSBĐ hoặc quyền xử lý TSBĐ.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trên thực tế, việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của Tòa án để áp dụng thủ tục rút gọn gặp nhiều khó khăn do khi xảy ra nợ xấu, đa phần khách hàng trốn tránh, không hợp tác với TCTD để phối hợp xử lý, nên rất khó thực hiện…

Bên cạnh đó, theo quy định thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

Như vậy, trường hợp khách hàng không hợp tác, chống đối, rất dễ dẫn đến trường hợp cố tình tạo ra các tình tiết mới làm cho vụ án không còn bảo đảm điều kiện để đưa vụ án về thủ tục tố tụng thông thường. Do đó, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ, trong quá trình triển khai, mặc dù đã có chỉ đạo xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán thuế thu nhập cá nhân và án phí dân sự khi xử lý TSBĐ tại Nghị quyết số 42, tuy nhiên, thời gian vừa qua, các tổ chức tín dụng liên tục phản ánh về việc trên thực tế triển khai, các cơ quan thuế nhiều địa phương vẫn yêu cầu bên nhận bảo đảm/bên nhận chuyển nhượng phải đóng thay tiền thuế thu nhập cho bên bảo đảm mới thực hiện các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận, sang tên cho người nhận chuyển nhượng; các cơ quan thi hành án sau khi thực hiện thủ tục xử lý TSBĐ vẫn tiến hành trích thu luôn tiền án phí, tiền thuế thu nhập cá nhân đối với các TSBĐ bán đấu giá thành công trước khi chuyển tiền về cho các TCTD, thậm chí nhiều TSBĐ sau khi xử lý vẫn không đủ trả nợ cho TCTD; do đó làm giảm hiệu quả xử lý nợ xấu.

Trong khi đó, thực tiễn tại các quốc gia khác, quyền của bên nhận TSBĐ bao giờ cũng được ưu tiên hơn so với các quyền khác – theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Cuối cùng, về việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật giải thích cụ thể về việc "ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án".

Do đó, việc có hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là TSBĐ của khoản nợ xấu hay không, hoàn trả vào thời gian nào sẽ phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến các TCTD rất chậm nhận được tài sản để xử lý, thu hồi nợ đối với các khoản nợ xấu.

Xử lý nợ xấu: Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiết lộ loạt khó khăn, ngân hàng "khổ" vì thuế, phí - Ảnh 3.

Chính phủ trình Quốc hội kéo dài thí điểm xử lý nợ xấu. (Ảnh: QH)

Trình Quốc hội kéo dài thí điểm xử lý nợ xấu

Liên quan đến kéo dài thí điểm xử lý nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết số 42/2017/QH14 chỉ kéo dài 5 năm và sẽ hết hiệu lực thi hành sau ngày 15/8/2022. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, Thống đốc trình bày.

Theo Thống đốc, việc thiếu hụt cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ TCTD, VAMC xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm cũng sẽ kéo dài quá trình xử lý nợ xấu. Các khoản nợ xấu đang xử lý theo Nghị quyết số 42/2017/NQ14 sẽ chuyển sang việc xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan sẽ gây khó khăn cho TCTD khi tiếp tục xử lý khoản nợ xấu đó, dễ dẫn đến việc phát sinh những tranh chấp giữa TCTD và khách hàng.

Bên cạnh đó, các khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác (đặc biệt liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu) nếu không được tiếp tục thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, đặc biệt ảnh hưởng đến quá trình xử lý TCTD yếu kém.

Do đó, cần thiết phải tiếp tục duy trì các chính sách hiệu quả mà Nghị quyết số 42/2017/QH14 mang lại nhằm đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, tránh những tranh chấp phát sinh trong thực tiễn.

Từ sự cần thiết trên, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến ngày 31/12/2023; đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem