Xuất khẩu chè sang Ấn Độ tăng mạnh về lượng và trị giá

31/08/2019 06:56 GMT+7
Trong các năm qua, Ấn Độ luôn nằm trong nhóm 20/200 quốc gia có mức xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất với Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2017, Ấn Độ là quốc gia xếp thứ 12 trong hơn 200 đối tác thương mại của Việt Nam trên thế giới. Xét riêng trong châu Á, quốc gia này là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ấn Độ trong 7 tháng năm 2019 đạt 4,07 tỷ USD, tăng 3,75% so với mức 3,92 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Thương mại giữa Việt nam và Ấn Độ vẫn tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng tốt.

Các mặt hàng được xuất sang Ấn Độ cũng được đa dạng hóa và chiếm giá trị cao. Điển hình như điện thoại các loại và linh kiện, máy tính, kim loại, hóa chất,... Trong đó đáng chú ý là mặt hàng chè. Tuy chỉ chiếm thị phần rất nhỏ, thậm chí là thấp nhất với chỉ 0,02%, đạt 903,335 triệu USD nhưng lại tăng mạnh tới 108,82% về trị giá và tăng 40,46% về lượng so với trị giá và sản lượng xuất trong 7 tháng năm 2018. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì nước ta đã xuất khẩu được các mặt hàng chè có chất lượng cao, được thị trường Ấn Độ ưa chuộng nên đã đem lại giá trị lớn.

Chè xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 903,335 triệu USD 

Ngược lại, các mặt hàng nông sản khác tuy đạt giá trị cao nhưng lại sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Hạt điều đạt 9,57 triệu USD, giảm 41,57% về lượng và 57,17 về trị giá, cà phê đạt 35,26 triệu USD, giảm 33,45% về lượng và 42,58% về trị giá, hạt tiêu đạt 37,76 triệu USD, tăng 18% về lượng nhưng giảm 12,51% về trị giá. (Tính toán theo số liệu từ TCHQ)

Việt Nam đang tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với tái cơ cấu kinh tế trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc thúc đẩy phát triển thương mại bền vững với các nước nói chung, với Ấn Độ nói riêng là một tất yếu khách quan. Trong thời gian tới, để phát triển thương mại bền vững giữa Việt Nam và Ấn Độ, cần chú trọng đổi mới và hoàn thiện các chính sách sau đây:

Đẩy mạnh hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ

Một là, tiếp tục đổi mới tư duy hoạch định chính sách phát triển thương mại gắn với các mục tiêu phát triển bền vững trong điều kiện mới. Chủ động hội nhập quốc tế và sự phát triển nhảy vọt của khoa học - công nghệ, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới cuộc cách mạng 5.0 nhằm định hướng phát triển thương mại bền vững giữa Việt Nam và Ấn Độ trong các thập kỷ tới đây.

- Hoàn thiện chính sách thương mại theo hướng đồng bộ, toàn diện, hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế, dựa trên nền tảng của những cam kết song phương với Ấn Độ và phù hợp với các cam kết quốc tế song phương và đa phương từ các FTA truyền thống - Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ…, đặc biệt là các cam kết trong các FTA thế hệ mới - EVFTA, NAFTA, FTA ASEAN+1, AUSFTA,…

- Đổi mới, hoàn thiện chính sách thương mại nói chung, chính sách thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ nói riêng trên cơ sở tôn trọng lợi ích của hai nước; đảm bảo vừa thực hiện tốt các cam kết song phương vừa phù hợp với cam kết đa phương, gắn kết với nội, ngoại khối và có chất lượng cao; ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động rất khó lường của thương mại toàn cầu, trong điều kiện các quốc gia đều đặt lợi ích của mình là trên hết.

- Chính sách thương mại phải là bệ đỡ cho phát triển mối quan hệ thương mại bền vững, thúc đẩy hiệu quả hoạt động xuất khẩu - nhập khẩu giữa Việt Nam - Ấn Độ. Trong đó, đổi mới chính sách thương mại song hành với đổi mới chính sách tài chính, chính sách tín dụng, chính sách tỷ giá, chính sách thuế,… đảm bảo cho các chính sách này tác động thuận chiều, tạo lực đẩy cho phát triển thương mại bền vững.

Hai là, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người giữa hai quốc gia. Thông qua đó mỗi bên sẽ nâng cao hơn tầm hiểu biết lẫn nhau. Các doanh nhân hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh có thể tìm hiểu các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam và Ấn Độ có thể hợp tác, cùng nhau phát triển hướng tới phát triển thương mại bền vững cả về kinh tế - xã hội, môi trường,… Trong đó, cần đẩy mạnh hợp tác phát triển công nghệ thông tin; phát triển du lịch; phát triển các dịch vụ tư vấn về thuế, quản lý, bảo hiểm; logistics, vật liệu xây dựng; các hoạt động thăm dò, khai thác năng lượng dầu khí; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; giáo dục - đào tạo; hợp tác sản xuất - kinh doanh dược phẩm, chăm sóc y tế cho nhân dân…

Ba là, thúc đẩy phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi giao thương giữa Việt Nam - Ấn Độ; Ấn Độ với các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV). Thông qua phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, hạ tầng thương mại biên giới được cải thiện sẽ khắc phục được tình trạng gia tăng chi phí vận chuyển hàng hoá giữa các quốc gia CLMV - trở ngại trong phát triển thương mại bền vững.

Mai Trang
Tags:
Cùng chuyên mục