Xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam cuối năm 2022 còn nhiều thách thức
Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh trong tháng 8
Ước tính của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước trong tháng 8/2022 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 65% so với tháng 8/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 851 triệu USD, tăng 60,5% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 11,07 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 7,77 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh trong tháng 8/2022 là do trong tháng 8/2021 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ở mức rất thấp, bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh bùng phát, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ bị gián đoạn do các nhà máy đóng cửa vì giãn cách xã hội.
Tại thời điểm hiện tại, tác động bởi xung đột giữa Nga và Ukraine, khiến giá năng lượng tăng cao tác động tới chi phí vận chuyển và giá nguyên liệu đầu vào gia tăng, điều này dẫn tới giá thành sản phẩm xuất khẩu tăng cũng là yếu tố làm trị giá xuất khẩu trong tháng 8/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2022 giảm 7,6% với cùng kỳ năm 2021, đạt 6,3 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều có trị giá giảm, trừ mặt hàng đồ nội thất nhà bếp. Mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng có giá trị gia tăng cao và cần được đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU…, cùng với chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất gia tăng, thì khả năng tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng này kém khả quan, mặc dù cuối năm theo chu kỳ là thời gian xuất khẩu tăng trưởng mạnh để đáp ứng nhu cầu thị trường nhà ở hoàn thiện, trang trí nội thất gia đình đón chào năm mới.
Trong khi đó, mặt hàng dăm gỗ có trị giá xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 1,45 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mặt hàng cần hạn chế xuất khẩu với mục đích tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm gỗ là chiến lược phát triển bền vững của ngành gỗ.
Tiếp theo là các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu khác như: Gỗ, ván và ván sàn đạt 1,2 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021; cửa gỗ đạt 34 triệu USD, tăng 53,4%; đồ gỗ mỹ nghệ đạt 18,5 triệu USD, tăng 18,9%...
Theo thông lệ, nửa cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường xuất khẩu chính. Trong tháng đầu tiên của quý III/2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng khả quan hơn. Ước tính, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2022 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 7/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 7/2022 ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,7 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,1 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, đối mặt với tình trạng lạm phát đang gia tăng mạnh tại các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam là Mỹ và các nước EU, khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng thắt chặt hơn chi tiêu, đặc biệt là đối với các mặt hàng không thiết yếu, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm.
Cùng với đó, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, đẩy giá xăng dầu tăng cao trong nửa đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, chi phí của doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục tăng lên, ảnh hưởng đến giá bán và sức cạnh tranh của sản phẩm. Dự báo xuất khẩu của ngành gỗ trong nửa cuối năm vẫn còn nhiều thách thức và khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong năm 2022.
Thách thức cho ngành đồ gỗ ở những thị trường lớn
Năm nay, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD. Như vậy, sau 7 tháng đầu năm, ngành hàng đã thực hiện 58,8% kế hoạch đề ra, theo đó, trong 5 tháng còn lại của năm, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cần mang về khoảng 6,8 tỷ USD để toàn ngành hoàn thành mục tiêu.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu của ngành gỗ trong những tháng cuối năm được dự báo sẽ còn nhiều thách thức khiến cho việc hoàn thành mục tiêu không dễ dàng.
Theo Trung tâm nghiên cứu công nghiệp Italia (CSIL), thị trường đồ nội thất thế giới đạt khoảng 500 tỷ USD trong năm 2021, đạt mức tiêu thụ cao hơn nhiều so với trước đại dịch. Trong số 10 thị trường nhập khẩu đồ nội thất hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ, Đức, Anh và Pháp chiếm khoảng 1/3 lượng tiêu thụ đồ nội thất thế giới. 5 tháng đầu năm 2022, 4 quốc gia này tiếp tục là những thị trường dẫn đầu về nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ nhiều nhất trên thị trường thế giới, đạt 13,5 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ, chiếm 36,9% tổng trị giá nhập khẩu vào thị trường này.
Các sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chủ yếu là các sản phẩm giá thấp, nhưng lạm phát tăng cao ở Hoa Kỳ đang ảnh hưởng lớn tới những người có thu nhập trung bình và thấp. Việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng đang tác động tới nhu cầu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ.
Nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức từ Việt Nam chỉ chiếm 3,8% về trị giá. Thị phần nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam của Đức vẫn còn tương đối nhỏ trong tổng nhập khẩu.
Anh là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 thế giới, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Anh tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2022, đạt 2,4 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 7,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Pháp là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 4 trên thị trường thế giới, nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Pháp cũng luôn ở mức cao. Trong giai đoạn năm 2017 – 2021, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Pháp trung bình đạt 3,9 tỷ USD/năm, tăng trưởng bình quân 8,5%/năm.
5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Pháp đạt 2 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Pháp từ Việt Nam chỉ chiếm 4,8% trong tổng nhập khẩu, vẫn còn rất thấp so với nhu cầu nhập khẩu của thị trường.
Được biết, 7 tháng đầu năm 2022, top 5 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lần lượt gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada.
Trong thời gian này, Việt Nam là thị trường cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ nội thất lớn nhất cho Hoa Kỳ, chiếm 57,23% tổng trị giá xuất khẩu toàn ngành gỗ.
Tháng 7/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường số 1 Hoa Kỳ ước đạt 685,037 triệu USD, so với tháng 7/2021 giảm 18,53%. Cộng dồn 7 tháng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ ước đạt 5,561 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường lớn thứ hai Trung Quốc ước đạt 209,266 triệu USD, tăng 91,42% so với tháng 7/2021. Cộng dồn 7 tháng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước sang thị trường Trung Quốc ước đạt 1,158 tỷ USD, tăng 25,48% so với cùng kỳ năm 2021.
Đứng thứ ba là thị trường Nhật Bản, trong tháng 7/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang nước này ước đạt 180,027 triệu USD, tăng 39,68% so với tháng 7/2021. Cộng dồn 7 tháng đầu năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,025 tỷ USD, tăng 22,83% so với cùng kỳ năm 2021.
Đứng thứ tư là Hàn Quốc, tháng 7/2022 gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này ước đạt 71,386 triệu USD, so với tháng 7/2021 giảm 12%. Cộng dồn 7 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hàn Quốc ước đạt 602,149 triệu USD, tăng 12,66% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ năm là thị trường Canada, trong tháng 7/2022 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này ước đạt 20,557 triệu USD, so với tháng 7/2021 giảm 19,79%. Cộng dồn 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Canada ước đạt 154,142 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2021 giảm 1,63%.
Được biết, theo khảo sát của Viforest và Forest Trends, phần lớn doanh nghiệp gỗ bị giảm đơn hàng, doanh thu lao dốc. Viforest nhận định xuất khẩu gỗ và lâm sản những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp khăn do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao. Hiện, các đơn hàng từ thị trường Mỹ, châu Âu, Anh đang sụt giảm mạnh, tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay. Bên cạnh đó, ngành gỗ cũng đang đối diện với vụ việc khởi xướng điều tra của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với mặt hàng tủ gỗ và bàn trang điểm.
Mới đây, Hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends đã khảo sát 52 doanh nghiệp ngành về tình hình đơn hàng, sản xuất kinh doanh. Kết quả cho thấy trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Mỹ có 33 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng chỉ khoảng 11%.
Điều này xảy ra tương tự với thị trường EU. Cụ thể, trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này có tới 24 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%.
Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.