Xuất khẩu hạt điều sẽ ngày càng khó khăn
6 tháng, xuất khẩu điều Việt Nam giảm cả về lượng và giá trị
Đầu tháng 7/2022, giá xuất khẩu hạt điều thô nhìn chung khá ổn định so với cuối tháng 6/2022. Ngày 1/7/2022, giá xuất khẩu hạt điều thô tại Benanh ổn định ở mức 1.287,5 USD/tấn; tại Bờ Biển Ngà, Gana và Nigieria cùng ở mức 1.225 USD/tấn.
Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trị giá nhập khẩu hạt điều của thị trường này trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 82,46 triệu USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Trung Quốc, trị giá gần 71,36 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2022, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 95,23% trong 5 tháng đầu năm 2021 xuống còn 86,53% trong 5 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, thị phần hạt điều của Myanmar trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 10,37%; Bờ Biển Ngà chiếm 2,63% trong 5 tháng đầu năm 2022.
Theo ITC, 5 tháng đầu năm 2022, Thụy Sỹ nhập khẩu hạt điều đạt 1,31 nghìn tấn, trị giá 12,16 triệu USD, tăng 17,5% về lượng và tăng 49,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Thụy Sỹ nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt 841 tấn, trị giá 7,42 triệu USD, tăng 35,7% về lượng và tăng 91,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Thụy Sỹ tăng từ 55,39% trong 5 tháng đầu năm 2021 lên 63,96% trong 5 tháng đầu năm 2022. Ngược lại, thị phần hạt điều của Ấn Độ trong tổng lượng nhập khẩu của Thụy Sỹ giảm từ 17,61% trong 5 tháng đầu năm 2021 xuống 15,36% trong 5 tháng đầu năm 2022.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 6/2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt xấp xỉ 46,5 nghìn tấn, trị giá 284,92 triệu USD, giảm 6,9% về lượng và giảm 6,5% về trị giá so với tháng 5/2022, so với tháng 6/2021 giảm 21,4% về lượng và giảm 23,4% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 249,36 nghìn tấn, trị giá 1,5 tỷ USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Với kết quả xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022, dự báo trong ngắn hạn, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ vẫn đối mặt với khó khăn. Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine không tác động nhiều đến xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Bởi lượng hạt điều của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, trong khi xuất khẩu sang Nga ở mức thấp.
Mặc dù vậy, lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu. Các sản phẩm có giá thành cao nhiều khả năng sẽ không phải là sự lựa chọn của nhiều người trong bối cảnh tình hình kinh tế không mấy khả quan. Bên cạnh đó, ngành điều Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng địa chính trị leo thang, giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Diễn biến giá: Tháng 6/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 6.132 USD/tấn, tăng 0,4% so với tháng 5/2022, nhưng giảm 2,6% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 6.018 USD/ tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường: Tháng 6/2022 so với tháng 6/2021, xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường chủ lực giảm như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan, Đức, Úc, Canada và Ý. Ngược lại, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Israel tăng 110% về lượng và tăng 108,6% về trị giá; Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tăng 40,7% về lượng và tăng 53,1% về trị giá; Anh tăng 19,9% về lượng và tăng 15,2% về trị giá. 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hạt điều sang một số thị trường giảm, như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan, Đức và Canada. Ngược lại, xuất khẩu hạt điều sang một số thị trường tăng, gồm: Anh, Úc, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Israel và Ý.
Về chủng loại: Chiếm 41,02% tổng lượng và chiếm 44,75% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều W320 giảm đã ảnh hưởng chung tới toàn ngành. Thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều W320 của Việt Nam đạt 83,23 nghìn tấn, trị giá 544 triệu USD, giảm 3,4% về lượng và giảm 3,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Hạt điều W320 được xuất khẩu tới trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chủ yếu hạt điều W320 của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Anh, Canada và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều W320 sang Hoa Kỳ, Anh, Úc, Pháp, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Nhật Bản, Ả rập Xê út và Tây Ban Nha tăng; nhưng xuất khẩu sang các thị trường Hà Lan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Tập trung vào các thị trường "lõi", đường "cứu cánh" cho hạt điều
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ngành điều sẽ phải tìm hướng tập trung vào các thị trường "lõi" như liên minh châu Âu, Hoa Kỳ... để đẩy mạnh xuất khẩu.
EU hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá toàn ngành.
Tăng trưởng xuất khẩu hạt điều sang EU đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung toàn ngành. Thuế suất đối với các sản phẩm chế biến từ hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam giảm về 0% ngay sau khi EVFTA 9Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Mức giảm này rất quan trọng vì trước khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan của mặt hàng hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam dao động từ 7 - 12%. Việc EVFTA đi vào thực thi được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn cho ngành điều.
Tại khu vực EU, hạt điều Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều nước Tây Âu và Đông Âu. Tại khu vực Tây Âu, hạt điều của Việt Nam được xuất khẩu sang các nước: Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ… trong đó ngành điều đã khai thác tốt hai thị trường Hà Lan và Đức. Đức và Hà Lan hiện là những đầu mối thương mại quan trọng đối với hạt điều nhập khẩu để tái xuất.
Đối với khu vực Đông Âu, hạt điều Việt Nam có mặt tại nhiều nước: Nga, Ba Lan, Rumani, Ukraine… Thời gian qua, do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine nên xuất khẩu hạt điều của Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, trước xu hướng đa dạng hóa nguồn cung cùng với những lợi thế từ các FTA (Hiệp định thương mại tự do), Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh, mở đường cho việc thiết lập chuỗi cung ứng mới với thị trường EU nói chung, thị trường Đông và Tây Âu nói riêng, thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chỉ đơn cử, theo số liệu thống kê từ ITC, tháng 4/2022, dù khó khăn, nhập khẩu hạt điều của Đức vẫn đạt 4,53 nghìn tấn, trị giá 32,79 triệu USD, tăng 4,8% về lượng và tăng 2,7% về trị giá so với tháng 3/2022, so với tháng 4/2021 giảm 8,1% về lượng và giảm 10,5% về trị giá. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, Đức nhập khẩu hạt điều đạt 18,53 nghìn tấn, trị giá 135,44 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Đức đạt mức 7.226 USD/tấn, giảm 2,0% so với tháng 3/2022 và giảm 2,6% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Đức đạt mức 7.308 USD/tấn, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Đức giảm từ Hondurat, Hà Lan, nhưng tăng từ Việt Nam, Bờ Biển Ngà và Indonesia.
Cơ cấu nguồn cung cho thấy, Đức vẫn tăng nhập khẩu hạt điều từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ Hà Lan. Số liệu từ ITC cho thấy, nhập khẩu hạt điều của Đức từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt xấp xỉ 12,55 nghìn tấn, trị giá 91,37 triệu USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 12,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Đức tăng từ 62,7% trong 4 tháng đầu năm 2021 lên 67,71% trong 4 tháng đầu năm 2022.
Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực đến nay, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường châu Âu ghi nhận tăng trưởng khá ấn tượng.
Được biết, hiện xu hướng tiêu dùng thực phẩm của thị trường châu Âu chú trọng các yếu tố với sản phẩm như: Chú trọng sức khoẻ; sự tiện lợi và công nghệ; các protein thay thế (gốc thực vật); tính bền vững và giảm thiểu chất thải; tìm kiếm hương vị và trải nghiệm mới. Trong khi đó, hạt điều là một trong những sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, chỉ số đường huyết thấp có lợi cho sức khoẻ, đồng thời đây cũng là sản phẩm có nhiều hương vị, phù hợp với sở thích, được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng.
Với các FTA như EVFTA, FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, thuế nhập khẩu hạt điều vào thị trường EU 27 nước và thị trường Vương quốc Anh đều bằng 0% là những yếu tố khá thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường dự báo khó khăn...