Xuất khẩu mực, bạch tuộc dự kiến tăng khoảng 15% trong năm 2023
Theo Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết, sẽ tiếp tục ảnh hưởng làm giảm sản lượng khai thác nội địa của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như sản lượng tại các nguồn cung cấp chính cho 2 thị trường này như Morocco, Peru trong năm 2023. Theo đó, nhu cầu tại 2 thị trường này trong năm 2023 sẽ vẫn ổn định.
Vasep cho biết, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong tháng 1/2023 ước đạt 65,8 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo cả năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này sẽ đạt khoảng 875 triệu USD, tăng 15% so với năm 2022.
Thông tư 06/2022 của Bộ NN&PTNT bỏ kiểm dịch đối với thủy sản đông lạnh nhập khẩu để gia công, chế biến sản xuất xuất khẩu sẽ tiếp tục giúp cho các doanh nghiệp mực, bạch tuộc đa dạng nguồn nguyên liệu trong năm 2023. Các sản phẩm mực, bạch tuộc chế biến ăn liền, tiện lợi với giá phải chăng của Việt Nam sẽ tiếp tục được ưa chuộng trong bối cảnh người tiêu dùng thế giới tiếp tục đối mặt với lạm phát và nền kinh tế đình trệ trong năm 2023.
Tuy nhiên, theo Vasep, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mực, bạch tuộc trong năm 2023 dự báo không cao như năm 2022 (với mức tăng 25%) do doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với thách thức về nguồn nguyên liệu và chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine làm xáo trộn thương mại toàn cầu, giá xăng dầu tăng cao, thẻ vàng IUU chưa được gỡ bỏ và lạm phát toàn cầu.
Được biết, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong năm 2022 đạt gần 763 triệu USD, tăng 25% so với năm 2021. Giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng trong năm 2022 cũng có tác động từ các yếu tố như giá vận chuyển tăng cộng với biến động tỷ giá.
Trong năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và chi phí đầu vào cao, xung đột Nga-Ukraine, thẻ vàng IUU chưa được gỡ bỏ, lạm phát tăng cao, giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt tăng vọt ở các thị trường nhập khẩu chính.
Tuy vậy, mực, bạch tuộc là 1 trong những mặt hàng thực phẩm thiết yếu nên nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường tiêu thụ không bị biến động nhiều. Từ ngày 28/7/2022, theo Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu được miễn kiểm dịch. Do vậy, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong cả năm 2022 vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương 25%.
Trong cơ cấu các sản phẩm mực, bạch tuộc xuất khẩu, mực chiếm 55,9%, còn lại bạch tuộc chiếm 44,1%. Năm 2022, giá trị xuất khẩu mực tăng 35% trong khi bạch tuộc tăng 15% so với năm 2021.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm mực đều tăng trong đó mực khô/nướng và mực sống/tươi/đông lạnh tăng lần lượt 28% và 38%. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu mực chế biến tăng mạnh nhất 73% so với năm 2021.
Nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm mực và bạch tuộc chế biến có xu hướng tăng mạnh. Nhu cầu vẫn nghiêng về các sản phẩm mực, bạch tuộc có giá vừa phải, dễ chế biến, có thời hạn bảo quản lâu, phù hợp với chế biến và tiêu thụ tại nhà như: mực khô, bạch tuộc khô, bạch tuộc đông lạnh
Năm 2022, các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam được xuất khẩu sang 63 thị trường. Top 10 thị trường đơn lẻ nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Italy, Mỹ, Malaysia, Israel, Tây Ban Nha, Đài Loan và chiếm 92% tổng xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam.
Năm 2022, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang các thị trường chính đều tăng. Trong cơ cấu các thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc chính của Việt Nam năm 2022, tỷ trọng thị trường CPTPP, Trung Quốc và EU tăng trong khi tỷ trọng thị trường Hàn Quốc và Thái Lan giảm. Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là những thị trường nhập khẩu mực hàng đầu trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường nhập khẩu bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam.