Xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh, cá tra Việt Nam "mộng" thị trường EU

09/09/2019 11:24 GMT+7
Đã gần 7 tháng liên tiếp, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm mạnh. VASEP dự báo trong hai quý cuối năm, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ nhiều khả năng tiếp tục giảm. Bởi vậy việc tìm kiếm và mở rộng thị trường mới được xem là bài toán cấp thiết nhất cho ngành thủy sản Việt Nam.

Xuất khẩu cá tra không tăng như kì vọng

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 8, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt gần 176 triệu USD, giảm 38,7% so với cùng kì năm trước. Như vậy, đã gần 7 tháng liên tiếp, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm mạnh.

7 tháng liên tiếp, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm mạnh.

Rào cản lớn nhất cho cá tra Việt Nam tại thị trường này là thương mại và kĩ thuật. Bởi vậy VASEP dự báo hai quý cuối năm, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ nhiều khả năng còn tiếp tục giảm.

Cùng với đó, sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt khi không chỉ Việt Nam, Mỹ còn giảm nhập khẩu ở Trung Quốc, Thái Lan và Guyana, thay vào đó là tìm kiếm nguồn cung từ hai thị trường mới là Tây Ban Nha Đài Loan. Cuộc chiến thương mại đưa cá tra Việt Nam vào Mĩ sẽ khó càng thêm khó.

Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, giá cá tra nguyên liệu trong tháng 8 có xu hướng nhích nhẹ khoảng 500 đồng/kg so với tháng trước, nhưng vẫn còn rất thấp so với giá thành sản xuất của nông dân. Giá dao động trong khoảng 21.500-22.000 đồng/kg đối với cá tra loại I (800-900g/con), trong khi giá thu mua tại trang trại là 20.500-21.000 đồng/kg. Lượng bắt của các doanh nghiệp ổn định, nhu cầu chưa cao.

Tìm kiếm cơ hội từ thị trường 508 triệu dân

Chúng ta đã kì vọng việc Mỹ chính thức nâng mức thuế đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 25% (chủ yếu là sản phẩm cá rô phi – mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với cá tra Việt Nam) sẽ là cơ hội tốt cho cá tra tăng xuất khẩu vào Mỹ.

Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, tính đến hết tháng 6, nhập khẩu cá rô phi đông lạnh của nước này từ Trung Quốc đã giảm 13% về lượng và 16% về giá trị so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên thực tế lại không như kì vọng như kim ngạch xuất khẩu vẫn sụt giảm mạnh tới gần 42% so với năm ngoái bởi Mĩ đã và đang tìm được cho mình những thị trường mới như Norwway, Iceland, Canada,...

Ngành cá tra cần nhanh chóng tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới

Bởi vậy Việt Nam cũng cần nhanh chóng tìm kiếm những cơ hội ở nhiều thị trường khác để tránh thảm cảnh cá tra mất giá thê thảm khi không thể xuất khẩu. Điển hình như thị trường 508 triệu dân – Liên minh Châu Âu (EU). Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi Việt Nam vừa kí kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA và dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2020.

Với lợi thế từ EVFTA, không chỉ với thuế suất 0% mà ngành thủy sản hoàn toàn có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh với các nước chưa kí kết hiệp định.

Hiện tại, EU là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mĩ). Trong nửa đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 138,5 triệu USDm tăng 18% và chiếm 14,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Trong đó với thị trường các nước Hà Lan, Anh, Đức và Bỉ, giá trị xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng lần lượt 0,7%; 46%, 51,3% và 35,2% so với cùng kì 2018. Đây đều là những thị trường tiềm năng và đầy hứa hẹn cho cá tra Việt Nam.

Tuy nhiên EU cũng không phải thị trường “dễ xơi”. Muốn mở rộng thị trường thì các doanh nghiệp trong ngành phải đáp ứng những quy định như nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì, ... đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cá tra Việt Nam, khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Mai Trang
Tags:
Cùng chuyên mục