Xuất khẩu thủy sản: Cầm cự chờ EVFTA
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong tháng 4/2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 563 triệu USD, tiếp tục giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, tính chung trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước ước đạt hơn 2,17 tỷ USD và sụt giảm ở hầu hết các nhóm sản phẩm. Trong đó, các nhóm hàng giảm mạnh nhất gồm cá tra ở mức 31,9%, chủ yếu do giảm sang thị trường Trung Quốc từ 2 tháng đầu năm; tôm giảm 11,8%; cá ngừ giảm 13,5%; mực - bạch tuộc giảm 28,2%...
Tổng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác vẫn tăng 2% trong quý đầu năm. Tuy nhiên xuất khẩu thuỷ sản đã chịu ảnh hưởng tiêu cực ngay từ quý I do dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… Nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của các thị trường này đang có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng giảm (hạn chế bởi các lệnh giới nghiêm và phong toả thành phố tại các quốc gia đang có dịch bệnh) và lượng tồn kho cao của các nhà nhập khẩu.
Thị trường tiêu thụ gặp khó
Bộ Công thương cho biết, tỷ lệ các đơn hàng vẫn giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30 - 50%. Đặc biệt tại thị trường châu Âu phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng. Việc ký kết các đơn hàng mới khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không có đơn hàng mới trong quý II và quý III.
Bên cạnh đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc huỷ khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%). Việc ký kết các đơn hàng mới cho quý II và quý III cũng rất khó khăn, đặc biệt tại các nhóm thị trường chính như Mỹ, Nhật, EU… Riêng Trung Quốc, từ tháng 3 thì thị trường này đã bắt đầu có đơn hàng trở lại.
Tại thị trường trong nước, giá cá tra, tôm tiếp tục giảm. Đồng thời do người nuôi lo sợ giá giảm nên thu hoạch sớm; trong khi DN tạm thời ngừng mua nguyên liệu do các đơn hàng xuất khẩu bị hoãn, huỷ và không có đơn hàng mới, còn kho lạnh đã đầy hàng tồn kho hoặc thiếu kho. Riêng đối với cá tra, giá bán buôn tham khảo tại Đồng Tháp trong tháng dao động trong khoảng 18.000 – 18.500 đồng/kg đối với cá tra loại 1, đây là mức giá thấp nhất trong 10 năm qua. Trong khi giá thành sản xuất từ 21.000-22.000 đồng/kg, nên hầu hết người nuôi đều lỗ.
Hiện nay, giá tôm, cá tra nguyên liệu đều giảm vì người nuôi sợ rớt giá thu hoạch sớm, một số DN tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng giảm (bị hoãn, hủy, không có đơn hàng mới), kho lạnh để trữ hàng bị đầy và thiếu. Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu vào cuối năm, khi dịch bệnh hết, nhu cầu tăng lại, nếu người nuôi hạn chế hoặc bỏ ao vì không trụ được ở giai đoạn này.
Trong bối cảnh các thị trường truyền thống đều sụt giảm mạnh, các DN xuất khẩu thuỷ sản phải tính toán chiến lược đa dạng hoá thị trường. Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Việt cho biết, hiện nay dịch bệnh đang hoành hành tại EU, vì vậy Navico kỳ vọng thị trường Trung Quốc có thể phục hồi kịp để bù đắp mức sụt giảm ở EU. Nếu điều này không khả thi, Navico vẫn còn thị trường ASEAN và Nam Mỹ, cũng như thâm nhập thị trường mới.
Bên cạnh kế hoạch đa dạng hoá thị trường, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) chia sẻ, các DN xuất khẩu thuỷ sản đã chuyển sang đẩy mạnh sản xuất sản phẩm đóng hộp thay vì tươi sống để đẩy vào các kênh siêu thị trong bối cảnh sụt giảm đơn hàng mới.
Mặc dù tình thế trước mắt đối với xuất khẩu thuỷ sản đang rất khó khăn, song theo Bộ NN&PTNT, các thị trường chính sẽ dần phục hồi trở lại sau nửa đầu năm 2020. Hiện nay, tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã có kết quả tích cực, các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm theo dự báo của VASEP sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục các hoạt động sản xuất như trước khi có dịch.
Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cũng đánh giá Việt Nam đang có nhiều lợi thế để khôi phục hoạt động xuất khẩu thuỷ sản ngay sau khi dịch bệnh qua đi. Đối với sản phẩm tôm, một số nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam như Ấn Độ, Ecuador... theo dự báo sẽ giảm rất mạnh về sản lượng. Hoặc đối với EU, sau khi thị trường này hồi phục thì Việt Nam có lợi thế nhờ EVFTA. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc đã hồi phục dần, sản phẩm cá tra đạt khoảng 500 container/tháng và dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới...
Vì vậy, nếu người nuôi cùng DN có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng cách duy trì nuôi trồng ở mức độ nhất định và cầm cự đến tháng 6 - 7 khi thị trường hồi phục, thì các ngành sẽ vẫn có nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm.