Xuất khẩu thuỷ sản sang Nga tăng kỷ lục

07/09/2022 14:56 GMT+7
Dự báo cả năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Nga sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 16%, ước đạt trên 190 triệu USD.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 8/2022 tiếp tục tăng mạnh

Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 8/2022 đạt 186 nghìn tấn, trị giá 894 triệu USD, giảm 4,66% về lượng và giảm 5,27% về trị giá so với tháng 7/2022, nhưng tăng 44,63% về lượng và tăng 50,15% về trị giá so với tháng 8/2021. 

Xuất khẩu thủy sản tháng 8/2022 tăng mạnh so với tháng 8/2021 chủ yếu do tháng 8/2021 ngành thủy sản bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống Covid-19. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,545 triệu tấn, trị giá 7,535 tỷ USD, tăng 19,85% về lượng và tăng 35,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Xuất khẩu thuỷ sản sang Nga tăng kỷ lục trở lại - Ảnh 1.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 7/2022 đạt 195,1 nghìn tấn, trị giá 943,6 triệu USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 11,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,36 triệu tấn, trị giá 6,64 tỷ USD, tăng 17,1% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có dấu hiệu chậm lại do lạm phát toàn cầu cao, khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm, đặc biệt là với mặt hàng tôm. Tháng 7/2022, xuất khẩu mặt hàng tôm đạt 41,68 nghìn tấn, trị giá 378,66 triệu USD, giảm 10,5% về lượng và giảm 13,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Xuất khẩu tôm tháng 7/2022 giảm chủ yếu do xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm mạnh, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn khác vẫn tăng. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm vẫn tăng 13,4% về lượng và tăng 21,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 268,5 nghìn tấn, trị giá 2,6 tỷ USD. 

Xuất khẩu cá tra, basa tháng 7/2022 tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2021, đạt 65,99 nghìn tấn, trị giá 186,3 triệu USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 47,3% về trị giá. Tháng 7/2022, xuất khẩu cá tra, basa sang thị trường Trung Quốc, EU, ASEAN, Mehico, Canada tăng mạnh, trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra, basa đạt 557,1 nghìn tấn, trị giá 1,6 tỷ USD, tăng 24,6% về lượng và tăng 77,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong khi đó, xuất khẩu cá đông lạnh, cá ngừ các loại, cá khô, mực các loại, bạch tuộc các loại… trong tháng 7/2022 tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2021. Các tháng cuối năm 2022, xuất khẩu thủy sản có thể sẽ chậm lại so với các tháng đầu năm do tình trạng lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu dùng thủy sản chậm lại. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng do cùng kỳ năm trước ngành thủy sản gặp khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19 trong và ngoài nước.

Xuất khẩu thuỷ sản sang Nga tăng kỷ lục trở lại - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào các thị trường tiềm năng

Điểm nhấn đặc biệt trong tháng 8 là xuất khẩu thuỷ sản sang Nga tăng vọt trong tháng 8. 

Từ tháng 5, xuất khẩu thuỷ sản sang Nga đã hồi phục dần dần và từ tháng 7, xuất khẩu đã đảo chiều, tăng 36% và tăng mạnh 98% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8. Trước đó, xuất khẩu thuỷ sản sang Nga trong tháng 3 và tháng 4 đã giảm lần lượt 86% và 46%, vì vận tải tắc nghẽn, thanh toán thương mại khó khăn.  

Cá tra vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 22% xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Nga với gần 21 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi xuất khẩu đa số sản phẩm thuỷ sản sang Nga đều sụt giảm vì bị gián đoạn trong giai đoạn đầu của chiến sự Nga – Ukraine, thì xuất khẩu cá chỉ vàng, cá ngừ, cá cơm sang thị trường này vẫn giữ được tăng trưởng dương.

Xuất khẩu thuỷ sản sang Nga tăng kỷ lục trở lại - Ảnh 3.

Xuất khẩu cá chỉ vàng, cá ngừ, cá cơm sang thị trường này vẫn giữ được tăng trưởng tốt. Ảnh: Chí Nhân

Trong đó, xuất khẩu cá ngừ chiếm 17%, tăng 97% đạt gần 16 triệu USD, cá chỉ vàng tăng 6% đạt 14,6 triệu USD, chiếm 15%, cá cơm tăng 27% đạt 4,6 triệu USD.

Xuất khẩu tôm chân trắng, chả cá surimi đều giảm sâu trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu tôm chân trắng đạt trên 16 triệu USD, chiếm 17%, xuất khẩu chả cá surimi đạt trên 12 triệu USD, chiếm 13%.

8 tháng đầu năm nay, có 39 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thuỷ sản sang Nga. Trong đó, Công ty CP Nam Việt chiếm tỷ trọng lớn nhất 13% với sản phẩm thế mạnh là cá tra.

Năm 2022 có thêm 6 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thuỷ sản sang Nga, như vậy có hiện 54 doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang thị trường này.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga cho biết, khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, hệ thống ngân hàng Nga bị phong tỏa, đồng ruble mất giá, nhưng Nga đã có những động thái phản ứng nhanh để giữ ổn định nguồn ngoại tệ. Vấn đề thanh toán khi xuất khẩu sang Nga không còn là khó khăn và dư địa thị trường vẫn rộng lớn. Vận tải hàng hóa từ Việt Nam sang Nga đã thuận lợi hơn khi tập đoàn vận tải Nga đã mở tuyến vận tải thẳng TP.HCM - Hải Phòng - Vladivostok. Bên cạnh đó đã có một số hãng tàu khác chạy tuyến mới, việc vận chuyển nhanh, thời gian ngắn hơn. Ngoài ra có thêm hệ thống vận tải đường sắt hỗ trợ cho giao thương với Nga.

Với nhiều tín hiệu khá tích cực, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Nga sẽ tiếp đà hồi phục trong những tháng cuối năm nay. Dự báo cả năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Nga sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 16% đạt trên 190 triệu USD. 

Với những ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN- EAEUFTA), hàng thủy sản của Việt Nam ngày càng có khả năng cạnh tranh cao hơn tại thị trường Nga.

Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga, thời gian tới, cần tăng cường trao đổi hợp tác nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thanh toán song phương bằng đồng nội tệ như Nga đang áp dụng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… Đồng thời, xem xét thúc đẩy hơn nữa đường vận chuyển liên vận giữa Việt Nam - EAEU bằng đường tàu hỏa để giảm áp lực khi vận chuyển bằng đường tàu biển đang rất khó khăn; Cơ quan Giám sát Kiểm dịch và Thú y Liên bang Nga (FSVPS) xem xét tăng lượng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này. Cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) và FSVPS cần rút ngắn thời gian giải trình lô hàng bị cảnh báo để các doanh nghiệp sớm xuất khẩu trở lại; xem xét quy trình kiểm soát gần với thông lệ quốc tế...

Bên cạnh Nga, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào Anh, Bỉ, Nhật Bản... Theo thống kê của ITC, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Anh đạt 2,3 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Anh tăng mạnh nhập khẩu thủy sản từ Na Uy, Trung Quốc, Quần đảo Faroe và Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Anh, đạt 161,79 triệu USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Anh tăng từ 6,4% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 7% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Tại thị trường Bỉ, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này trong tháng 7/2022 đạt 18,12 triệu USD, giảm 8,63% so với tháng 6/2022, nhưng tăng 22,2% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Bỉ đạt 124,79 triệu USD, tăng 74,32% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Bỉ liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang Bỉ đã tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 như: tôm đông lạnh tăng 74,7% về lượng và tăng 89,9% về trị giá; cá tra đông lạnh tăng 40,7% về lượng và tăng 92,5% về trị giá; cá ngừ đông lạnh tăng 89,4% về lượng và tăng 145,7% về trị giá; mực đông lạnh tăng 44,4% về lượng và tăng 34,3% về trị giá; cá phèn đông lạnh tăng 163,9% về lượng và tăng 192,1% về trị giá; nghêu đông lạnh tăng 32,3% về lượng và tăng 25,3% về trị giá; cá dũa đông lạnh tăng 314% về lượng và tăng 369% về trị giá… 

Nhờ tăng trưởng mạnh, thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Bỉ tăng. Theo thống kê của Eurostat, tỷ trọng thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu thủy sản của Bỉ tăng từ 6,1% trong 4 tháng đầu năm 2021 lên 7,6% trong 4 tháng đầu năm 2022. Thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Bỉ có khả năng tăng trưởng chậm lại do nhu cầu tiêu dùng giảm khi lạm phát tăng cao.

Với thị trường Nhật Bản, theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu thủy sản của nước này trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 947 nghìn tấn, trị giá 887,8 tỷ Yên (tương đương 6,62 tỷ USD), tăng 2,1% về lượng và tăng 33,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu hàng thủy sản nhập khẩu của Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi so với cùng kỳ năm 2021 khi tỷ trọng nhập khẩu các mặt hàng cá ngừ, tôm, mực, bạch tuộc trong tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản giảm, trong khi tỷ trọng nhập khẩu trứng cá và cua tăng.

Việt Nam hiện là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 về trị giá cho Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt 72,35 nghìn tấn, trị giá 73,1 tỷ Yên (tương đương 545 triệu USD), tăng 6,8% về lượng và tăng 30,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng về lượng, nhưng giảm về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 7,64% về lượng và chiếm 8,24% về trị giá.



 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục