Xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc đang tràn đầy hy vọng
Sắn Thái Lan cạnh tranh mạnh với sắn Việt Nam
Trong 10 ngày giữa tháng 6/2022, giá tinh bột sắn nội địa của Thái Lan tiếp tục được điều chỉnh tăng, trong khi giá tinh bột sắn xuất khẩu, sắn nguyên liệu và sắn lát xuất khẩu được giữ ổn định so với 10 ngày trước đó.
Giữa tháng 6, Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan đã thông báo giữ giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn ở mức 540 USD/tấn, ổn định so với 10 này trước đó; trong khi điều chỉnh giá thu mua tinh bột sắn nội lên mức 17,5 Baht/kg, tăng 0,1 Baht/kg so với 10 ngày trước đó.
Trong khi đó, Hiệp hội thương mại khoai mỳ Thái Lan thông báo giữ giá sàn xuất khẩu sắn lát ở mức 290 - 295 USD/tấn FOB-Bangkok, ổn định so với 10 ngày trước đó; giá sắn nguyên liệu cũng được giữ ở mức 2,75-3,30 Baht/kg, ổn định so với 10 ngày trước đó.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, 4 tháng đầu năm 2022, Thái Lan xuất khẩu được gần 2,66 triệu tấn sắn lát (mã HS 07141011), trị giá 21,48 tỷ Baht (tương đương 612,41 triệu USD), tăng 27% về lượng và tăng 36,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,2% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của Thái Lan, với hơn 2,64 triệu tấn, trị giá 21,29 tỷ Baht (tương đương 607,11 triệu USD), tăng 26% về lượng và tăng 35,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. (Tỷ giá 1 Baht = 0,02851 USD).
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Thái Lan xuất khẩu 1,33 triệu tấn tinh bột sắn (mã HS 11081400), trị giá 21,02 tỷ Baht (tương đương 599,33 triệu USD), tăng 2,8% về lượng và tăng 20,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc chiếm 63,3% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của Thái Lan, với 843,08 nghìn tấn, trị giá 13,09 tỷ Baht (tương đương 373,27 triệu USD), giảm 12,9% về lượng, nhưng tăng 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; tiếp đến là thị trường Đài Loan đứng vị trí thứ 2, chiếm 8,3% với 110,5 nghìn tấn, tăng 17,1%, và Indonesia đứng ở vị trí thứ 3, chiếm 8% với 106,92 nghìn tấn, tăng tới 1.537,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu tinh bột sắn của Thái Lan trong 4 tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản giảm, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Indonesia, Malaysia và Hoa Kỳ lại tăng.
Sắn và các sản phẩm sắn của Thái Lan đang cạnh tranh mạnh với sắn của Việt Nam để chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm. Sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 1,35 tỷ USD/năm, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Thái Lan.
Tuy nhiên, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ đầu năm 2022.
Dù là ngành hàng xuất khẩu thu về cả tỷ USD mỗi năm, song ngành sắn cũng còn không ít hạn chế, tồn tại gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.
Thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, sắn và các sản phẩm từ sắn của nước ta phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Điều này dẫn đến sự thiếu bền vững và bị động.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam có nhiều khâu trung gian, chi phí logistics của Việt Nam cao nên tính cạnh tranh quốc gia thấp; hiện phải canh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu từ các nước Thái Lan, Campuchia, Lào.
Xuất khẩu tinh bột sắn tiếp tục tăng nhờ nhu cầu của Trung Quốc vẫn cao
Trong 10 ngày giữa tháng 6/2022, giá củ sắn tươi, sắn lát tại các vùng ổn định. Tình hình giao thương tại một số cửa khẩu biên giới phía Bắc trở lại bình thường, nhưng tốc độ giao hàng vẫn chưa như kỳ vọng. Bệnh khảm lá virus tiếp tục lây lan và gia tăng diện tích nhiễm bệnh tại các vùng trồng sắn trong cả nước, đặc biệt khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ.
Gần đây, xuất khẩu tinh bột sắn có xu hướng tăng trở lại, trong khi xuất khẩu sắn lát giảm. Dự báo trong các tháng tới, xuất khẩu tinh bột sắn tiếp tục tăng nhờ nhu cầu của Trung Quốc vẫn cao.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được gần 800,84 nghìn tấn tinh bột sắn, trị giá 403,64 triệu USD, tăng 15,7% về lượng và tăng 27,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Indonesia, Philippines, thị trường Đài Loan và Hàn Quốc. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ tinh bột sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 94,7% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước với 758,17 nghìn tấn, trị giá 380,5 triệu USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 26,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam cũng xuất khẩu được 407,18 nghìn tấn sắn lát khô, trị giá 117,39 triệu USD, giảm 19,5% về lượng và giảm 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Sắn lát khô được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn lát khô lớn nhất của Việt Nam, chiếm 85,8% tổng lượng sắn lát khô xuất khẩu của cả nước, với 349,39 nghìn tấn, trị giá 97,82 triệu USD, giảm 25,1% về lượng và giảm 16,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Không chỉ nhắm vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu sắn Việt Nam còn tiếp tục vực trở lại thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Theo số liệu thống kê của Cơ quan Tài chính Đài Loan, trong 5 tháng đầu năm 2022, thị trường Đài Loan nhập khẩu 155,47 nghìn tấn tinh bột sắn (mã HS 110814), trị giá 83,7 triệu USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 25,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thái Lan, Việt Nam, Lào, Indonesia là các thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Đài Loan trong 5 tháng đầu năm 2022. Trong đó, thị trường Đài Loan tăng nhập khẩu tinh bột sắn từ Thái Lan và Lào, trong khi giảm nhập khẩu từ Việt Nam và Indonesia.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Đài Loan, với 13,65 nghìn tấn, trị giá 7,54 triệu USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 8,8% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của thị trường Đài Loan, thấp hơn so với mức 11,2% của 5 tháng đầu năm 2021. Trong khi thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm tới 87,7%, cao hơn so với mức 78,7% của 5 tháng đầu năm 2021.
Mặc dù nhập khẩu tinh bột sắn của thị trường Đài Loan có xu hướng tăng, nhưng nhìn chung nhu cầu tinh bột sắn của thị trường này vẫn ở mức thấp, nên xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vực được trở lại như mức cũ cũng đã là triển vọng tốt.
Để tăng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm sắn, các chuyên gia cho rằng, các nhà máy chế biến sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam cần đổi mới công nghệ chế biến để phát triển một cách đa dạng các sản phẩm sắn; tăng cường mở rộng thêm vùng nguyên liệu; giải quyết triệt để vần đề xử lý chất thải trong chế biến sắn, đảm bảo an toàn môi trường.
Để phát triển giá trị của sắn, các địa phương cần nghiên cứu tạo cơ chế để tăng cường liên kết giữa vùng sản xuất và nhà máy chế biến, tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển hợp tác xã tại các vùng sản xuất sắn; đầu tư xây dựng nhà máy phải gắn với xây dựng vùng nguyên liệu.