Kỳ vọng tốc độ xuất khẩu sắn sang Trung Quốc được cải thiện
Đầu ra chậm, sắn xuất khẩu giảm...
Từ đầu tháng 5/2022 đến nay, giá củ sắn tươi tại hầu hết các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên không có nhiều biến động, thu hoạch dần vào cuối vụ, trong khi đầu ra xuất khẩu chậm. Mưa lớn kéo dài khiến một số diện tích sắn trồng trên ruộng trũng tại Tây Ninh bị ngập khá nặng.
Tình hình thông quan tại một số cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn chưa có nhiều cải thiện. Tốc độ thông quan có thể tăng trong thời gian tới do lượng lái xe người Trung Quốc hoạt động trở lại nhiều hơn.
Hiện nay, tại tỉnh Gia Lai có trên 80.000 ha sắn, được trồng chủ yếu ở các huyện như: Krông Pa, Ayun Pa và huyện Ia Pa. Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, chịu hạn tốt nên cây sắn phù hợp với trình độ canh tác ở vùng dân tộc thiểu số và nơi đất đai bạc màu, thiếu nước. Tuy vậy, với năng suất trung bình hiện khoảng 20,1 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, mỗi ha sắn cho thu chỉ từ 20 đến 30 triệu đồng/năm. So với những cây trồng khác, hiệu quả từ cây sắn mang lại cho nông dân còn thấp.
Diện tích trồng sắn ở Tây Ninh đạt khoảng 59.000-62.000 ha. Năng suất trung bình đạt khoảng 33 tấn/ha; sản lượng khoảng hơn 1,96 triệu tấn củ tươi/năm. Hiện nay, tổng diện tích sắn còn trên đồng là 46.613 ha. Diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn còn trên đồng là 36.968 ha, chiếm 79,3% diện tích. Các vùng trồng sắn chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ và chưa phát sinh diện tích nhiễm nặng.
Tại Phú Yên, niên vụ sắn 2021/2022, tỉnh Phú Yên đã trồng được 29.709 ha sắn, đến nay đã thu hoạch 24.048,8 ha; ước năng suất bình quân khoảng 166 tạ/ha (trong khi đó theo kế hoạch ngành nông nghiệp tỉnh đề ra năng suất sắn đạt 220 tạ/ha). Niên vụ sắn 2022/23, toàn tỉnh đã trồng 13.132 ha, đang ở giai đoạn phát triển thân lá. Hiện bệnh khảm lá virus gây hại hơn 5.500 ha; trong đó huyện Sông Hinh nhiễm 2.000 ha, Đồng Xuân diện tích nhiễm 1.500 ha, Phú Hòa diện tích nhiễm 20 ha…
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2022, Việt Nam xuất khẩu được 234,98 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 105,01 triệu USD, giảm 47,4% về lượng và giảm 47,1% về trị giá so với tháng 3/2022; so với tháng 4/2021 tăng 10,8% về lượng và tăng 31,7% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 446,9 USD/tấn, tăng 0,6% so với tháng 3/2022 và tăng 18,9% so với tháng 4/2021. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,19 triệu tấn, trị giá 517,17 triệu USD, chỉ tăng 0,3% về lượng và tăng 16,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tính riêng mặt hàng sắn, tháng 4/2022, xuất khẩu đạt 73,92 nghìn tấn, trị giá 23,06 triệu USD, giảm 45,5% về lượng và giảm 43,6% về trị giá so với tháng 3/2022; so với tháng 4/2021 giảm 28,7% về lượng và giảm 16,7% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân ở mức 312 USD/tấn, tăng 3,5% so với tháng 3/2022 và tăng 16,9% so với tháng 4/2021. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn đạt 391,61 nghìn tấn, trị giá 114,08 triệu USD, giảm 21,1% về lượng và giảm 9,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 4/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm 87,5% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 205,5 nghìn tấn, trị giá 91,64 triệu USD, giảm 48,9% về lượng và giảm 49% về trị giá so với tháng 3/2022; so với tháng 4/2021 tăng 12,4% về lượng và tăng 32,2% về trị giá. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,09 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 473,3 triệu USD, giảm 1,9% về lượng, nhưng tăng 14,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn chung, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Hiện nay, ngành sắn Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký FTA. Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã ký kết, tinh bột sắn là sản phẩm được cấp hạn ngạch miễn thuế quan đứng thứ hai sau lúa gạo; thuế xuất khẩu tinh bột sắn ngoài hạn ngạch là 166 EUR/tấn; sắn củ tươi, sắn đông lạnh cắt lát hoặc không ngoài hạn ngạch tính thuế là 9,5 EUR/kg.
Trung Quốc vẫn "khát" mặt hàng sắn
Thực tế hiện nay, nhu cầu đối với sản phẩm sắn của Trung Quốc vẫn rất cao. Trung Quốc tăng nhập sắn về để làm thức ăn chăn nuôi thay thế cho các nguyên liệu khác đang tăng cao.
Về mặt hàng sắn: Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu sắn (mã HS 071410) của Trung Quốc đạt 530,8 triệu USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam và Lào là 3 thị trường cung cấp sắn lát lớn nhất cho Trung Quốc.
Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lớn thứ hai cho Trung Quốc. Trong quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu sắn của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 70,22 triệu USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần sắn của Việt Nam chiếm 13,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn của Trung Quốc, giảm so với mức 16,5% của cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu sắn của Trung Quốc từ Thái Lan đạt 453,65 triệu USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần sắn của Thái Lan chiếm tới 85,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 81,7% của cùng kỳ năm 2021.
Về tinh bột sắn: Trong quý I/2022, Trung Quốc nhập khẩu 1,16 triệu tấn tinh bột sắn (mã HS 11081400), trị giá 607,17 triệu USD, tăng 26,8% về lượng và tăng 43,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Indonesia. Trong đó, Thái Lan vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 715,58 nghìn tấn, trị giá 380,17 triệu USD, tăng 12,8% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc trong quý I/2022, đạt 357,1 nghìn tấn, trị giá 181,96 triệu USD, tăng 87,7% về lượng và tăng 113,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 30,7% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc, tăng so với mức 20,7% của cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 61,5%, giảm mạnh so với mức 69,1% của cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, trong quý I/2022, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu tinh bột sắn từ Lào với 61,45 nghìn tấn, trị giá 30,27 triệu USD, tăng tới 218,7% về lượng và tăng 251% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần tinh bột sắn của Lào chiếm 5,3% trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 2,1% của cùng kỳ năm 2021.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam không có cách nào khác là nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế, Trung Quốc hay thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu (cấm biên, đóng/mở nhiều cửa khẩu, danh sách xuất khẩu, thay đổi quy định nhãn mác bao bì, hạn chế số lượng xe qua cửa khẩu, thời gian mở cửa khẩu ít…) gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong đó có ngành sắn.
Thực tế, dù là ngành hàng xuất khẩu thu về cả tỷ USD mỗi năm, song ngành sắn cũng còn không ít hạn chế, tồn tại gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Để tiêu thụ sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam cần nhiều khâu trung gian, chi phí logistics cao nên phải cạnh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu với các nước Thái Lan, Campuchia, Lào…
Thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước đều phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, điều này dẫn đến thiếu bền vững và bị động. Dự báo năm 2022, Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu lớn hơn nữa và sẽ nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, rủi ro cho người nông dân ở chỗ xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc không chỉ khó khăn do chính sách "zero covid" mà sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ năm 2022.