Xuất khẩu tôm của Việt Nam có thể vượt mốc 4 tỷ USD, Mỹ vẫn là thị trường "bá chủ"

10/09/2022 16:04 GMT+7
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận cuối cùng trong đợt rà soát cuối kỳ lần thứ 3 về thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ Việt Nam.

DOC (Mỹ) duy trì thuế chống bán phá giá với tôm nước ấm Việt Nam

Theo đó, do không nhận được phản hồi từ các nhà sản xuất/xuất khẩu tôm nước ấm, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tiến hành “rà soát nhanh” (expedited sunset review) trong vòng 120 ngày. Kết luận của rà soát cuối kỳ sẽ áp dụng cho toàn bộ ngành sản xuất mà không phải từng doanh nghiệp cụ thể.

Thông thường DOC sẽ xác định việc dỡ bỏ lệnh áp thuế có khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá khi: (1) biên độ phá giá duy trì ở trên mức tối thiểu sau khi lệnh áp thuế được ban hành; (2) ngừng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra sau khi lệnh áp thuế được ban hành; hoặc (3) không còn bán phá giá sau khi lệnh áp thuế được ban hành và lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra giảm đáng kể.

Ngược lại, DOC sẽ thường xác định việc dỡ bỏ lệnh áp thuế không có khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán bán phá nếu không còn hành vi bán phá giá sau khi lệnh áp thuế được ban hành và lượng nhập khẩu duy trì ổn định hoặc thậm chí gia tăng.

DOC kết luận rằng việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ 04 quốc gia (Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan) sẽ dẫn tới khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi phá giá. Đối với Việt Nam, DOC dựa trên thuế suất toàn quốc để xác định bán phá giá có khả năng tiếp tục hoặc tái diễn. Do đó, DOC sẽ duy trì lệnh áp thuế chống bán phá giá với tôm nước ấm nhập khẩu từ 04 quốc gia trên.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam có thể vượt mốc 4 tỷ USD, Mỹ vẫn là thị trường "bá chủ" - Ảnh 1.

DOC (Mỹ) duy trì thuế chống bán phá giá với tôm nước ấm Việt Nam.

Mỹ chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm nước ấm từ Việt Nam và một số quốc gia khác từ năm 2004 và bắt đầu áp dụng thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam kể từ ngày 26 tháng 01 năm 2005 với mức thuế từ 4,30% đến 25,76%.

Tháng 7 năm 2016, DOC đã dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho 01 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện theo pháp luật Mỹ trên cơ sở vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO. Từ đó đến nay, DOC đã tiến hành cuộc rà soát hoàng hôn lần thứ 2, 04 đợt rà soát hành chính tiếp theo (POR10, 11, 12, 13), hủy bỏ 02 đợt rà soát hành chính (POR14, 15) và đang tiến hành đợt rà soát POR16 cho giai đoạn từ ngày 01 tháng 02 năm 2021 tới 31 tháng 01 năm 2022.

Đáng lưu ý, trong kết luận cuối cùng của đợt rà soát gần nhất (POR13), DOC đã xác định mức thuế chính thức cho 02 bị đơn bắt buộc và 29 công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ đều ở mức 0%. Đây là tin vui chung cho ngành tôm Việt Nam và là động lực tốt để các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Mỹ.

Từ năm 2014, Việt Nam luôn nằm trong top 03 nước xuất khẩu mặt hàng thủy sản trên toàn thế giới. Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 08 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 7,6 tỷ USD, tăng khoảng 36,2% so với cùng kỳ năm 2021 (thời điểm cao điểm của dịch Covid-19), trong đó xuất khẩu tôm đạt kim ngạch khoảng 3 tỷ USD, tăng khoảng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có dấu hiệu chậm lại trong tháng 7 và 8 vừa qua, do lạm phát toàn cầu cao, khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm, đặc biệt là với mặt hàng tôm. Tháng 7/2022, xuất khẩu mặt hàng tôm đạt 41,68 nghìn tấn, trị giá 378,66 triệu USD, giảm 10,5% về lượng và giảm 13,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu tôm tháng 7/2022 giảm chủ yếu do xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn khác vẫn tăng. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm vẫn tăng 13,4% về lượng và tăng 21,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 268,5 nghìn tấn, trị giá 2,6 tỷ USD.  

Các tháng cuối năm 2022, xuất khẩu thủy sản có thể sẽ chậm lại so với các tháng đầu năm do tình trạng lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu dùng thủy sản chậm lại. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng do cùng kỳ năm trước ngành thủy sản gặp khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19 trong và ngoài nước.

Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn có thể vượt mốc 4 tỷ USD

Trong báo cáo “Cập nhật Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu nửa cuối năm 2022”, Rabobank cũng dự báo nhu cầu thủy sản toàn cầu trong 6 tháng cuối năm sẽ giảm. Trong đó, nhu cầu thủy sản của Mỹ và EU có thể sẽ giảm trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát cao, sau khi đã tăng mạnh trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022. 

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu  thủy sản của Trung Quốc có thể là cơ hội cho cả các nhà sản xuất tôm và cá hồi, đặc biệt là trong quý IV/2022, nếu quốc gia này không áp dụng lại các biện pháp phong tỏa và hạn chế nhập khẩu do Covid-19. Về sản lượng, nguồn cung tôm từ Indonesia, Việt Nam và đặc biệt là Equador tăng, cho dù giá trong 6 tháng đầu năm giảm và chi phí tăng. Giá cá hồi cũng có khả năng giảm trong nửa cuối năm 2022 trong bối cảnh nguồn cung có thể tăng 6%, nhu cầu ở các quán bar và nhà hàng ở Hoa Kỳ bắt đầu giảm. 

Tại Equador: Nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm của Equador đạt 510,8 nghìn tấn, trị giá 3,29 tỷ USD, tăng 32,9% về lượng và tăng 54% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu tôm của Equador tiếp tục dẫn đầu thế giới trong nửa đầu năm 2022 nhờ xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh. 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm của Equador sang Trung Quốc đạt 268,7 nghìn tấn, trị giá 1,67 tỷ USD, tăng 69,3% về lượng và tăng 100,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá trung bình xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tháng 6/2022 đạt 6,07 USD/kg, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu tôm của Equador sang Mỹ và châu Âu nửa đầu năm 2022 cũng tăng lần lượt 7,0% và 9,4% về lượng so với cùng kỳ năm 2021, đạt 98,5 nghìn tấn và 97,2 nghìn tấn. 

Tuy nhiên, nhu cầu thị trường thế giới đang biến động khó dự đoán. Mỹ và châu Âu đều đang phải đối mặt với lạm phát tăng cao. Kinh tế Trung Quốc cũng gặp khó khăn do thị trường bất động sản nước này giảm. Giá tôm Equador có thể giảm trở lại trong những tuần tới nếu nhu cầu thị trường sụt giảm. Trong bối cảnh khó khăn chung, ngành tôm Equador vẫn nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Equador đang đàm phán để có thể đạt được FTA với Mehico nhằm mục đích giảm thuế xuất khẩu tôm từ Equador sang Mehico. 

Tại Ấn Độ: Ngành tôm Ấn Độ dự kiến sản lượng vụ 2 sẽ giảm do người nuôi hạn chế thả giống khi chi phí đầu vào cao, nhu cầu hạn chế và thời tiết xấu. Vụ thu hoạch chính thứ hai trong năm tại Ấn Độ thường diễn ra vào tháng 8 và tháng 9. Sản lượng vụ 2 ước tính chỉ bằng 50% so với vụ đầu tiên. Giá tôm cỡ 20 – 30 con/kg tại Ấn Độ hiện đã giảm đáng kể so với đầu năm; giá tôm cỡ vừa và lớn cũng chênh lệch nhiều. Nhiều hộ không nuôi tôm cỡ lớn vì nhu cầu không có. Các công ty chế biến lựa chọn nuôi tôm cỡ 40 - 70 con/kg. Đặc biệt tôm cỡ 50 - 60 con/kg đang được ưa chuộng. Lũ lụt đang ảnh hưởng đến các vùng nuôi tôm quanh khu vực sông Godavari, phía Bắc của tỉnh nuôi tôm chính của Ấn Độ, Andhra Pradesh. Dịch bệnh và tỷ lệ tử vong cao khiến người dân thu hoạch sớm khi tôm mới đạt ở kích thước 100 - 200 con/kg. Bệnh EHP đã tàn phá ngành tôm Ấn Độ những năm gần đây. Năm nay, hội chứng tôm chết hàng loạt đã thực sự nghiêm trọng khi tỷ lệ sống ở nhiều ao giảm 40 - 50%.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam có thể vượt mốc 4 tỷ USD, Mỹ vẫn là thị trường "bá chủ" - Ảnh 2.

Năm 2022 Mỹ vẫn sẽ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.

Với Việt Nam, theo đánh giá, năm 2022 Mỹ vẫn sẽ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Với sự hồi phục nhu cầu của chuỗi HORECA (kênh phân phối dùng trong nhà hàng, khách sạn mà khách hàng có thể truy cập) và thế mạnh tôm chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ năm 2022 sẽ tiếp tục tăng.

Trong khi đó, đối với thị trường châu Âu, năm 2022 nhu cầu tiêu thụ tôm bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt tại Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ… Tuy nhiên, mức tiêu thụ tại châu Âu sẽ bị tác động bởi xung đột Nga - Ukraine nên phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu và kế hoạch kinh doanh trong tương lai.

Về nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu, năm 2022 nguyên liệu tôm của Việt Nam đủ cho chế biến, nhưng khả năng giá có thể tăng hơn do các yếu tố đầu vào biến động phức tạp.

Khả năng lạm phát sẽ làm giá thành sản xuất tăng, kéo theo tăng giá bán và làm suy yếu tốc độ tăng đơn hàng. Xung đột Nga - Ukraine tác động mạnh đến chi phí cũng như hoạt động logistics. Đây là một thách thức không nhỏ cho tăng trưởng xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, kế hoạch sản xuất tôm năm 2022 với nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 - 270.000 con, trong đó tôm giống khoảng 140 - 150 tỉ con và diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha, sản lượng tôm các loại 980.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD, tăng 2,56% so năm 2021.

Để đạt được các kế hoạch sản xuất và xuất khẩu tôm theo kế hoạch, cần tổ chức liên kết giữa các địa phương tham gia chuỗi tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn, thích ứng với điều kiện dịch bệnh Covid-19, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh do dịch bệnh gây ra; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; thực hiện quy chế quản lý tôm nước lợ; quan trắc cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản đề nghị các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, về an toàn thực phẩm, về thú y; xây dựng kế hoạch để chủ động sản xuất trong điều kiện bình thường mới, thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19; nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi; tuân thủ các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong nuôi tôm…

Với lợi thế xuất khẩu tôm sang Mỹ, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2022 tăng từ 10 - 12%, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 4 tỷ USD. Trong đó, tăng trưởng do yếu tố giá 7 - 10%, tăng trưởng do tăng sản lượng 2 - 5%.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục