Xuất khẩu Vĩnh Hoàn xuống đáy, cơ hội nào cho “nữ hoàng” Trương Thị Lệ Khanh trong 3 tháng cuối năm?
"Nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh.
Xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn sẽ cải thiện trong những tháng cuối năm
Sau khi đạt đỉnh giá vào ngày 23/11/2018, thị giá cổ phiếu VHC của Công ty CP Vĩnh Hoàn đã thể hiện xu hướng suy giảm trong thời gian gần đây. Thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 11/9/2019, giá trị giao dịch của VHC trên sàn HOSE giảm xuống còn 77.000 đồng/cổ phiếu, mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua.
Cùng với đó, tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp do “nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh điều hành đã ghi nhận những con số thiếu tích cực. Giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn trong tháng 8/2019 đạt 27 triệu USD, giảm 31% so với tháng 8/2018 và 4% so với tháng 7/2019. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn giảm 10% so với cùng kì năm 2018.
Kết quả vừa nêu cũng ghi nhận tháng thứ hai liên tiếp, giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn suy giảm. Tháng 7/2019, doanh nghiệp của bà Trương Thị Lệ Khanh đạt giá trị xuất khẩu 28 triệu USD, giảm 23% so với tháng 7/2018 và giảm 30% so với tháng 6/2019.
Giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn liên tiếp sụt giảm trong tháng 7 và 8/2019.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị giá cổ phiếu VHC của nữ hoàng cá tra Trương Thị Vĩnh Hoàn về đáy 1 năm vì hoạt động xuất khẩu trì trệ trong nửa đầu năm và nhà đầu tư lo ngại kết quả kinh doanh quý III/2019 của Vĩnh Hoàn được dự báo sẽ suy giảm.
Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn mà doanh nghiệp của “nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh đang trải qua chỉ mang yếu tố mùa vụ ngắn hạn, và phần nào cũng chịu ảnh hưởng bởi những bất ổn từ Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, khi các nhà nhập khẩu Mỹ chủ động dự trữ thủy sản Trung Quốc trước ngày các mức thuế trừng phạt có hiệu lực.
Về dài hạn, nhu cầu tiêu thụ cá tra của người tiêu dùng vẫn đang tăng lên hàng năm. Việc thủy sản Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cũng mở ra cơ hội tăng trưởng thị phần cho cá tra nói riêng, và ngành thủy sản Việt Nam nói chung.
Ngoài ra, Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh vẫn đang duy trì được lợi thế cạnh tranh của mình ở thị trường Mỹ khi được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0$/kg.
Theo BVSC, khó khăn tại thị trường Mỹ chỉ là yếu tố ngắn hạn, và triển vọng đối với doanh nghiệp của bà Trương Thị Lệ Khanh sẽ trở nên tích cực hơn vào các tháng cuối năm, khi mức tồn kho đông lạnh tại thị trường này giảm.
“Chúng tôi đánh giá triển vọng xuất khẩu tại Mỹ nói riêng và các thị trường khác nói chung sẽ tốt hơn vào những tháng cuối năm 2019 và trong năm 2020. Trên thực tế, quý IV luôn là quý mua hàng cao điểm của các nhà nhập khẩu thủy sản, nhằm dự trữ cho các kỳ lễ lớn. Ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn cũng kỳ vọng lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ phục hồi vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng hai con số, sau một năm 2019 khó khăn”, BVSC cho biết.
Giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ của Vĩnh Hoàn dự kiến sẽ hồi phục trong nửa cuối năm 2019.
Về phía doanh nghiệp, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư của Công ty CP Vĩnh Hoàn diễn ra ngày 16/8/2019, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, giá cá tra đang ở đáy và sẽ khó giảm thêm, có thể cuối năm vào mùa cao điểm sẽ tăng trở lại.
Ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn dự kiến, năm 2019, sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ giảm một chữ số trong khi xuất khẩu sang EU sẽ tăng mạnh 15% so với cùng kỳ năm ngoái và sang Trung Quốc tăng 30-40%.
Theo đó, nhu cầu cá tra của EU bắt đầu hồi phục vào cuối năm 2018 do hình ảnh cá tra đã cải thiện và việc thiếu cá thịt trắng ở thị trường này trong năm 2019. Còn Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn là thị trường chính thúc đẩy tăng trưởng ngành cá tra Việt Nam. Ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn cho biết, giới trẻ Trung Quốc hiện ưa chuộng cá tra không xương thay vì các loài cá nhiều xương truyền thống của nước này như cá chép và rô phi.
Vĩnh Hoàn chững lại trong 6 tháng đầu năm 2019
Theo BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2019 của Công ty CP Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp ghi nhận khoản doanh thu đạt 3.814 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn lại tăng tới 70,4%, lên đạt 727 tỷ đồng. Một phần nguyên dân tạo ra mức tăng trưởng lợi nhuận đột biết cho doanh nghiệp của bà Trương Thị Lệ Khanh là khoản doanh thu tài chính lên tới 166 tỷ đồng, đạt được nhờ thoái vốn tại công ty liên kết Vạn Đức Tiền Giang về thu về 104 tỷ đồng.
Song nếu không tính khoản thoái vốn mang về lợi nhuận đột biến, dễ dàng nhận thấy hoạt động kinh doanh chính của Vĩnh Hoàn đã tăng trưởng chậm lại trong quý II/2019.
Kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn sau 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy dấu hiệu chững lại của doanh nghiệp.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) của Vĩnh Hoàn tăng 24%, trong khi mức tăng EBIT của quý I/2019 đã là 226%, do trong quý I/2019, giá xuất khẩu vẫn còn thấp.
Nguyên nhân chính là do tồn kho ở các thị trường chính vẫn còn cao, cộng thêm tâm lý chờ đợi kết quả POR14 tại thị trường Mỹ, khiến cho sản lượng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ.
Điểm sáng hiếm hoi ở doanh nghiệp của bà Trương Thị Lệ Khanh là tỷ lệ biên lợi nhuận gộp vẫn giữ ở mức cao nhờ nguồn cung nguyên liệu dồi dào với giá cả ổn định.