Xung đột tại Eximbank lên đỉnh, 1 giờ có 2 Chủ tịch HĐQT
Hội đồng quản trị Eximbank đã tổ chức họp và ban hành các Nghị quyết HĐQT liên quan Đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của Ông Yasuhiro Saitoh ngày 06/4/2021 và bầu nhân sự giữ chức danh Chủ tịch HĐQT gồm Nghị quyết HĐQT số 156/2021/EIB/NQ-HĐQT, 157/2021/EIB/NQ-HĐQT.
1 giờ, Eximbank có 2 Chủ tịch HĐQT
Theo Nghị quyết 157 được ký bởi ông Yasuhiro Saitoh, HĐQT Eximbank đã thông qua việc bầu ông Yasuhiro Saitoh làm Chủ tịch HĐQT nhà băng này.
Nghị quyết này được ban hành căn cứ theo kết quả biểu quyết tại cuộc họp HĐQT vào lúc 11h10 phút sáng 13/4/2021.
Điều đáng nói, chưa đầy 1 tiếng trước khi ông Yasuhiro Saitoh được bầu làm Chủ tịch, vào 10h15 cùng ngày, Eximbank đã ban hành Nghị quyết 156 với nội dung miễn nhiễm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh và bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Tưởng chừng như "bất nhất", song trên thực tế, Nghị quyết này được xây dựng căn cứ vào Đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Yasuhiro Saitoh vào ngày 6/4 vừa qua. HĐQT Eximbank nhất trí bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank với mục đích chủ tọa cuộc hợp lúc 10h45 cho đến khi HĐQT bầu Chủ tịch mới.
Như vậy, sau gần 1 giờ với 2 Nghị quyết được đưa ra, vị trí Chủ tịch HĐQT của Eximbank vẫn không đổi chủ khi ông Yasuhiro Saitoh tiếp tục ngồi "ghế nóng" của nhà băng này.
Liên tục đại hội bất thành, Eximbank muốn điều chỉnh tỷ lệ bắt buộc cổ đông tham dự ĐHĐCĐ
Tại Eximbank, trong hơn 1 năm trước đó, ghế "nóng" của Eximbank cũng đã đổi chủ đến 5 lần, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, về ông Lê Minh Quốc, sang ông Cao Xuân Ninh và mới nhất là ông Yasuhiro Saitoh.
Ông Nguyễn Quang Thông là trường hợp "đặc biệt" - đảm nhiệm chức Chủ tịch ngân hàng này trong vòng 55 phút. Đây là sự kiện hiếm có trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.
Được biết, ông Saitoh được bầu làm Chủ tịch Eximbank từ cuối tháng 6/2020 sau khi ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm vị trí này. Nhưng cổ đông lớn nhất tại Eximbank là SMBC (nắm 15% cổ phần) triệu tập đại hội cổ đông bất thường vào ngày 30/6/2020 với nội dung miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT của chính ông Saitoh. Nhưng cuộc họp này không thành công khi không đủ số cổ đông tham dự.
Cùng với đó, đại hội cổ đông thường niên lần 1 và 2 của Eximbank năm ngoái cũng không thể tổ chức vì số lượng cổ đông có mặt không đại diện đủ lần lượt 65% và 51% cổ phần có quyền biểu quyết để bắt đầu cuộc họp theo điều lệ ngân hàng. Đại hội lần 3 sau đó phải hoãn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Liên tục đại hội bất thành, Eximbank muốn điều chỉnh giảm tỷ lệ bắt buộc cổ đông tham dự ĐHĐCĐ. Theo tài liệu cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần thứ 3 được tổ chức vào ngày 26/4 tới, HĐQT Eximbank sẽ trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ cổ đông tham dự để tiến hành họp ĐHĐCĐ.
Cụ thể, Eximbank muốn điều chỉnh tỷ lệ số cổ đông dự họp trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để có thể tiến hành ĐHĐCĐ giảm từ 65% xuống 50%.
Trường hợp cuộc họp lần thứ 1 không đủ điều kiện tiến hành, tỷ lệ số cổ đông dự họp để có thể tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ lần 2 giảm từ 51% xuống 33%. Thông báo mời họp lần thứ 2 phải được gửi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất.
Trong trường hợp cuộc họp lần thứ 2 không đủ điều kiện tiến hành, cuộc họp lần thứ 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông dự họp.
Về hoạt động kinh doanh, Eximbank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng tới 60% so với cùng kỳ năm nay lên 2.150 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch, nhà băng này sẽ ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất từ năm 2013. Mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2021 tăng 10% lên 177.000 tỷ.
Huy động vốn dự kiến tăng 10% còn dư nợ cấp tín dụng được kỳ vọng tăng 15% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kỳ vọng dưới 2,5% tổng dư nợ.
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Eximbank tăng 22% so với năm trước lên 1.340 tỷ đồng.