10 sự kiện nổi bật trên sàn chứng khoán năm 2019

31/12/2019 06:31 GMT+7
Thị trường chứng khoán Việt Nam sắp khép lại một năm giao dịch với nhiều biến động . Trong năm qua, những sự kiện tích cực lẫn tiêu cực chắc hẳn đã để lại rất nhiều cảm xúc cho nhiều nhà đầu tư.

I.Thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi

10 sự kiện nổi bật trên sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 1.

Luật Chứng khoán sửa đổi chính thức được thông qua

Ngày 26/11, Luật Chứng khoán (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua. Qua đó, Luật đã đặt ra những tiêu chí cao hơn cho các thành viên tham gia thị trường như nâng điều kiện để trở thành công ty đại chúng, làm rõ điều kiện chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) và chào bán thêm ra công chúng; đồng thời khuyến khích nâng cao chất lượng quản trị của công ty, tăng mức phạt trong trường hợp vi phạm hành chính hay hướng tới Sở Giao dịch chứng khoán duy nhất tại Việt Nam.

Theo đó luật mới đã sửa đổi nâng điều kiện trở thành công ty đại chúng từ mức vốn điều lệ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng; sửa đổi, bổ sung điều kiện về cơ cấu cổ đông. Luật mới cũng đồng thời làm mới quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng, nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, qua đó giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Về phía nhà đầu tư, lần đầu tiên Luật Chứng khoán định danh nhà đầu tư chuyên nghiệp, trong đó, các cá nhân có giá trị danh mục từ 2 tỷ đồng trở lên sẽ được xếp vào khối nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Luật mới cũng quy định về việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Luật bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin có liên quan để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm; nâng mức phạt tiền tối đa đối với hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội bộ là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân. Đối với các hành vi vi phạm khác, mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

II.Trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ

10 sự kiện nổi bật trên sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 2.

Bùng nổ Trái phiếu Doanh nghiệp- Nguồn: Vietstock

Trái phiếu là một trong những kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Ngày 04/12/2018, Nghị định số 163 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ Việt Nam ban hành. Đây được xem là yếu tố thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khi nới lỏng điều kiện phát hành, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch khi phát hành hồ sơ.

Năm 2019 thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bùng nổ với tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 11 tháng 2019 ước tính đạt 237.000 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ năm 2018. Như vậy, tính đến hết năm 2019, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tương đương 10,26% GDP. Đặc biệt thị trường này chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của khối doanh nghiệp bất động sản với quy mô phát hành khoảng 71.000 tỷ đồng.

Trái phiếu bất động sản là nhóm có lãi suất cao nhất, có một số đợt doanh nghiệp đã huy động với lãi suất 15% hoặc thả nổi, đạt 71 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng Thương Mại tổng lượng Trái phiếu Doanh nghiệp đạt 94 nghìn tỷ đồng.

III.Thị trường Chứng Quyền được vận hành sau 7 năm thai nghén

"Ấp ủ" từ năm 2017, nhưng đến ngày 28/06/2019, chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) mới chính thức được HOSE đưa vào vận hành. Đây là sản phẩm phái sinh đầu tiên trên thị trường Việt Nam dựa trên quyền chọn mua cổ phiếu.

Qua đó, việc đưa CW vào TTCK Việt Nam giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư cũng như tạo thêm công cụ phòng ngừa rủi ro; tăng sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, góp phần giải quyết bài toán cho cổ phiếu hết room.

Tuy nhiên, sau nửa năm vận hành, thị trường CW đã hạ nhiệt đáng kể; dù số lượng đăng ký chào bán cũng như niêm yết ngày càng tăng, thanh khoản CW mỗi phiên chỉ tầm 7 tỷ đồng, chưa đạt tới 3% vốn hóa thị trường.

IV.Cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 chia tay ngàn tỷ với ông lớn Youtube

10 sự kiện nổi bật trên sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 3.

Cổ phiếu YEG đang dò đáy sau sự cố Youtube

Ngày 26/06/2018, cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 đã có mức giá tham chiếu là 250.000 đồng/cp, cổ phiếu tăng trần lên 300,000 đồng/CP, sau đó tiếp tục leo đỉnh lên tới 343,000 đồng/CP sau 2 ngày. Khi đó, Yeah1 trở thành cổ phiếu có thị giá lớn nhất trên sàn chứng khoán, với vốn hóa đạt gần 9,900 tỷ đồng.

Nhưng sau 1 năm vật lộn trên sàn, cổ phiếu YEG đang dò đáy với mức giá 37,000 đồng/cp (tại ngày 20/12), sụt hơn 9 lần so với đỉnh. Vốn hóa doanh nghiệp chỉ còn hơn 1,000 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân chính khiến cổ phiếu Yeah1 bị "nốc ao" đến từ việc đơn vị này bị Youtube dừng hợp tác (từ ngày 22/05) do nhiều lần bê bối trong việc lựa chọn nội dung. Qua đó, Yeah1 đã chịu tổn thất không nhỏ khi hơn 50% nguồn thu của Yeah1 đến từ mảng kinh doanh quảng cáo và chia sẽ nội dung trên nền tảng kỹ thuật số (hợp tác với Youtube). Dựa theo BCTC hợp nhất của Yeah 1 năm 2018, doanh thu từ mảng này lên tới 927 tỷ đồng (chiếm 55% tổng doanh thu); như vậy cuộc chia tay với ông lớn Youtube ước tính sẽ làm Yeah 1 thất thoát cả ngàn tỷ đồng.

V.Loại bỏ mức sàn đối với phí môi giới

Ngày 15/02, Thông tư số 128/2018/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực. Qua đó, mức sàn đối với phí môi giới chứng khoán được loại bỏ (trước đây 0.15% giá trị giao dịch), đồng thời, giữ nguyên mức trần là 0.5%. Điều này, gián tiếp thúc đẩy việc cạnh tranh về giá giữa các CTCK, giúp gia tăng quyền lợi cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng đặt mức trần 2.0% cho phí quản lý quỹ.Trong bối cảnh nhiều công ty Quản lý quỹ hoạt động chưa hiệu quả đang lấy phí 4% đến 5%, thì việc hạn chế mức phí tối đa 2.0% giúp bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.

Việc dỡ bỏ mức sàn phí giao dịch đã gây thêm sức ép lên tình hình cạnh tranh vốn đã rất căng thẳng trên thị trường môi giới chứng khoán. Thị trường cũng đón nhận ngày càng nhiều sự tham gia của các công ty chứng khoán nước ngoài có tiềm lực về nguồn vốn, nhân sự, công nghệ…

VI.Vụ án lịch sử FTM và rủi ro trong hoạt động cầm cố cổ phiếu

Vào giữa tháng 8/2019, thị trường đã chứng kiến một pha "đổ đèo" ngoạn mục của cổ phiếu CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) khi giảm sàn 30 phiên liên tiếp, từ giá ổn định quanh mức 25.000 đồng/cổ phiếu trong giữa năm 2019, cổ phiếu FTM đột ngột rơi sâu, mất hơn 90% giá trị, đến thời điểm này 19/12/2019 chỉ còn 2.340 đồng/cổ phiếu.

Việc cổ phiếu FTM rơi quá nhanh và quá sâu lộ ra nghi án cổ phiếu bị một nhóm cổ đông thao túng làm giá. Khi sự việc vỡ lở, đồng loạt các công ty chứng khoán tung lệnh bán giải chấp khiến giá và thành khoản mã FTM rơi không phanh.

Vụ việc trở nên bất thường trên thị trường chứng khoán Việt Nam do có hàng chục công ty chứng khoán âm thầm cho vay cầm cố cổ phiếu FTM với số tiền hàng trăm tỷ đồng, mà nguyên nhân có lẽ đến từ việc các công ty chứng khoán chưa có hệ thống thông tin liên thông về các chủ thể vay cầm cố cổ phiếu.

Khoảng hở này cần có giải pháp trong năm tới, để chặn đi những câu chuyện giải chấp hàng loạt như diễn ra không chỉ tại FTM.

Trước sự quan tâm của dư luận, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vào cuộc thanh tra vụ việc tại FTM.

VII.Triển khai bộ 3 chỉ số mới

Ngày 18/11, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HOSE) chính thức triển khai 3 bộ chỉ số mới, bao gồm Vietnam Leading Financial Index (VNFIN LEAD), Vietnam Financial Select Sector Index (VNFINSELECT) và Vietnam Diamond Index (VN DIAMOND). Với sự ra mắt các chỉ số mới này, HOSE kỳ vọng đáp ứng nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

VIII.Cái bắt tay lịch sử trong ngành bán lẻ giữa Masan và Vingroup

Ngày 03/12/2019, 2 ông lớn Masan (HOSE: MSN) và Vingroup (HOSE: VIC) bất ngờ công bố thông tin M&A về mảng bán lẻ. Cụ thể, CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam, theo đó Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Cổ phiếu ngay lập tức phản ứng mạnh khi các lệnh giao dịch điều chỉnh hơn tham chiếu, cao nhất xấp xỉ 84.000 đồng.

IX.Thanh khoản thị trường thấp hơn kỳ vọng

10 sự kiện nổi bật trên sàn chứng khoán năm 2019 - Ảnh 4.

Thanh khoản thị trường giảm 29% so với năm 2018

Năm 2019 được chờ đợi thanh khoản sẽ tăng mạnh nhờ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài với kỳ vọng thị trường chứng khoán được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi; hàng loạt công ty chứng khoán tăng vốn, hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư, nhưng thực tế không như kỳ vọng. Trong khi chỉ số VN-Index tính đến 19/12 tăng 6,79% so với cuối năm 2018; vốn hóa thị trường đạt 4.383 ngàn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2018, tương đương 79,2% GDP, thì thanh khoản trên thị trường cổ phiếu lại giảm 29% so với bình quân năm 2018.

Thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, quy mô giao dịch trên thị trường cổ phiếu năm 2019 chỉ đạt trung bình 4.639 tỷ đồng/phiên, giảm 29%. Một con số đáng quan tâm khác là việc tổng số vốn huy động qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 2019 cũng giảm khá mạnh, giảm 41% so với năm 2018.

Những diễn biến này đòi hỏi thị trường chứng khoán trong năm mới cần thêm các giải pháp mới, để thúc đẩy thanh khoản, tạo niềm tin với nhà đầu tư trong và ngoài nước, để dòng vốn chảy mạnh hơn vào doanh nghiệp và thanh khoản tốt hơn trên thị trường giao dịch thứ cấp.

X.Xử phạt FLCHomes thành hiện tượng nổi song dư luận

Ngày 19/11/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 925 đối với Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES với số tiền 400 triệu đồng, vì đã có hành vi vi phạm chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không đăng ký với Uỷ ban chứng khoán Nhà nước.

Cùng với đó, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định số 924 xử phạt vi phạm hành chính về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với FLCHOMES, yêu cầu thu hồi số chứng khoán đã chào bán sai phạm, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

Ngay trong ngày nhận quyết định xử phạt, 19/11/2019, FLCHOMES đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, Công ty đã thực hiện đúng các yêu cầu xử lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với các sai phạm.

Theo đó, Công ty đã thông báo đến các cổ đông về việc thu hồi cổ phần và hoàn trả tiền như yêu cầu từ phía Ủy ban. Tuy nhiên, công ty này khẳng định các cổ đông đều không yêu cầu FLC Homes hoàn trả tiền.

Được biết, đêm trước ngày bị xử phạt, đêm 18/11/2019, Công ty tổ chức cuộc Tọa đàm giới thiệu cơ hội đầu tư vào FLCHomes và công bố sẽ đưa cổ phiếu FHH niêm yết trong tháng 12/2019 với giá chào sàn dự kiến 35.000 đồng.

Hồng Nhung
Cùng chuyên mục