14 nước phản ứng trước báo cáo mới nhất về nguồn gốc đại dịch Covid-19, Mỹ cũng "nổi khùng"

31/03/2021 15:59 GMT+7
Mỹ vừa ký vào tuyên bố chung cùng 13 quốc gia khác, trong đó chỉ trích báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới WHO về nguồn gốc đại dịch Covid-19.

Nội dung tuyên bố chung của 14 quốc gia bao gồm Mỹ, Úc, Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Israel, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Na Uy, Hàn Quốc, Slovenia, Vương quốc Anh cáo buộc báo cáo của WHO về nguồn gốc đại dịch “đã bị trì hoãn trong thời gian dài và thiếu quyền tiếp cận dữ liệu nguyên bản”.

“Trong đợt bùng phát nghiêm trọng của một mầm bệnh không xác định có khả năng làm bùng phát đại dịch; việc đánh giá nguồn gốc mầm bệnh nhanh chóng, độc lập, có cơ sở khoa học và không bị che giấu là vô cùng quan trọng để có sự chuẩn bị tốt hơn cho người dân, các tổ chức y tế công cộng, các ngành công nghiệp cũng như các chính phủ nhằm ứng phó với dịch bệnh hiện tại và ngăn chặn nguy cơ đại dịch trong tương lai” - tuyên bố chung nhấn mạnh.

Tuyên bố cũng đề xuất rằng trong tương lai, WHO cần có một cam kết mới với mọi quốc gia thành viên trong việc cung cấp thông tin và quyền tiếp cận thông tin một cách minh bạch, kịp thời.

14 nước phản ứng trước báo cáo mới nhất về nguồn gốc đại dịch Covid-19, Mỹ cũng "nổi khùng" - Ảnh 1.

14 nước phản ứng trước báo cáo mới nhất về nguồn gốc đại dịch Covid-19, Mỹ cũng "nổi khùng"

Tuyên bố được 14 chính phủ đưa ra chỉ một ngày sau khi WHO công bố bản báo cáo dài 120 trang được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế về nguồn gốc đại dịch chết người đang càn quét toàn cầu. Tại Nhà Trắng, thư ký truyền thông Jen Psaki cho hay chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang xem xét báo cáo của WHO, nhưng nhận định rằng báo cáo mới chỉ là “một phần bức tranh” và chưa phản ánh đầy đủ các khía cạnh. Bà Jen Psaki cũng chỉ trích sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong việc để bùng phát đại dịch: “Họ không minh bạch. Họ đã che giấu những dữ liệu cơ bản”. Trung Quốc có tới 17 chuyên gia tham gia vào nhóm nghiên cứu nguồn gốc đại dịch đóng góp vào báo cáo nói trên của WHO.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng thừa nhận: “Chúng tôi vẫn chưa tìm ra nguồn gốc xuất hiện virus. Chúng tôi phải tiếp tục theo dõi bằng các phương pháp khoa học… Việc tìm kiếm nguồn gốc virus cần nhiều thời gian, chúng tôi có trách nhiệm tìm ra điều đó để nhân loại cùng nhau chống lại đại dịch, tránh sự bùng phát dịch bệnh trong tương lai”.

Hồi giữa tháng 2 vừa qua, nhóm điều tra của WHO đã đưa ra tuyên bố dứt khoát rằng sự cố rò rỉ từ phòng thí nghiệm “khó có thể giải thích được” việc virus SARS-CoV-2 lây sang người, đồng nghĩa với việc khó có khả năng phòng thí nghiệm Vũ Hán là nguồn gốc xuất phát của virus. Những phát biểu được tuyên bố bởi ông Peter Ben Embarek, một thành viên của nhóm nghiên cứu WHO tại cuộc họp báo một ngày trước khi nhóm này rời Trung Quốc.

Thực tế, nhiều chính trị gia và những người theo thuyết âm mưu tại Mỹ nói chung và trên thế giới nói chung đã tin vào giả thuyết rằng virus có thể được tạo ra từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Một cuộc khảo sát do Pew thực hiện hồi tháng 4/2020 cho thấy có tới 30% người Mỹ tin rằng virus được tạo ra từ phòng thí nghiệm vì một mục đích nào đó. Chính các quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống đương thời Donald Trump như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đưa ra các phát ngôn ngụ ý virus có thể đã rò rỉ, hoặc thậm chí được phát tán có chủ đích từ phòng thí nghiệm virus Vũ Hán. Luận điệu này khi đó đã bị chính phủ Trung Quốc bác bỏ trong giận dữ. Cuộc điều tra mới đây của nhóm chuyên gia từ WHO tiếp tục bác bỏ khả năng này.


NTTD
Cùng chuyên mục