Sau kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19, lúa mạch Úc bị Bắc Kinh áp thuế 80,5%

19/05/2020 10:59 GMT+7
Tối 18/5, Trung Quốc xác nhận sẽ đánh thuế 80,5% với lúa mạch nhập khẩu từ Australia sau khi kết thúc cuộc điều tra chống bán phá giá.
Sau kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19, lúa mạch Úc bị Bắc Kinh áp thuế 80,5% - Ảnh 1.

Bắc Kinh áp thuế 80,5% với lúa mạch nhập khẩu từ Australia, điều gây thất vọng cho Canberra

Bộ Thương mại Trung Quốc tối 18/5 cho hay cuộc điều tra chống bán phá giá tiến hành mới đây đã chứng minh lúa mạch giá rẻ từ Australia đang làm tổn thương thị trường nội địa. Cơ quan này trước đó thực hiện cuộc điều tra nhằm vào lúa mạch xuất xứ Australia để xem liệu có hiện tượng bán phá giá gây thiệt hại cho ngành thực phẩm nước này hay không. Phán quyết cuối cùng chỉ ra rằng lúa mạch nhập khẩu từ Australia đã khiến ngành công nghiệp sản xuất lúa mạch nội địa thiệt hại đáng kể.

Sau kết luận này, Trung Quốc sẽ đánh thuế 80,5% với lúa mạch nhập khẩu từ Australia. Trong đó, 73,6% là thuế chống bán phá giá và 6,9% là thuế đối kháng. Thuế quan sẽ được áp dụng ngay lập tức với 4 công ty xuất khẩu lúa mạch Australia gồm The Iluka Trust, Kalgan Nominees, JW & JI Mcdonald & Sons và Haycroft Enterprise. Với các công ty khác, thuế quan có hiệu lực từ ngày 19/5. Với các nhà xuất khẩu mới vào thị trường Trung Quốc, những đơn vị không xuất khẩu lúa mạch sang Trung Quốc trong khoảng thời gian Bộ Thương mại tiến hành điều tra, họ có thể nộp đơn kiến nghị gửi lên cơ quan điều tra để được hỗ trợ đánh giá mức thuế xuất khẩu mới.

Khi cuộc điều tra bắt đầu vào tháng 11/2018, chính quyền Trung Quốc ban đầu đề xuất mức thuế chống bán phá giá 56,14% nhưng sau đó nâng lên 73,6%.

Mức thuế được công bố vào thời điểm mối quan hệ Australia - Trung Quốc đang trở nên căng thẳng sau khi Australia kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19, làm dấy lên sự giận dữ của Bắc Kinh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã chỉ trích Australia là “cơ quan ngôn luận của Mỹ”, cáo buộc Mỹ đứng sau xúi giục lời kêu gọi điều tra của nước này.

Ngay sau đó, Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu bò Úc từ 4 nhà máy chế biến thịt lớn nhất Australia, đồng thời xem xét mức thuế tiềm năng với sản phẩm lúa mạch. Động thái gặp phải sự lên án mạnh mẽ từ phía Canberra. Australia thậm chí cảnh báo sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức thương mại thế giới WTO nếu Trung Quốc áp thuế với sản phẩm lúa mạch nước này. Nhưng Bắc Kinh thực sự áp thuế ngay sau đó.

Động thái đánh thuế của Bắc Kinh sẽ tác động to lớn đến kim ngạch xuất khẩu Australia, đặc biệt là khi thị trường Trung Quốc chiếm tới khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu lúa mạch của Australia. Năm ngoái, Australia đã xuất 834 triệu USD lúa mạch sang Trung Quốc.

Trước khi căng thẳng nổ ra, hai nước đã cho phép mức thuế quan 0% với nhiều sản phẩm dựa trên Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc - Australia.

Hôm 17/5, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết ông đã gửi yêu cầu thảo luận các vấn đề thương mại với người đồng cấp Trung Quốc Chung Sơn. Nhưng “yêu cầu đó đã không được phía Trung Quốc đáp ứng”, dù “chúng tôi sẵn sàng thảo luận”. 

Sau thông tin Bắc Kinh áp thuế nặng với sản phẩm lúa mạch, ông Simon Birmingham đã bày tỏ sự thất vọng lớn với quyết định này. Vị Bộ trưởng khẳng định Australia không hề thực hiện hành vi trợ cấp hay bán phá giá lúa mạch sang Trung Quốc.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục