15 quốc gia nhiều tỷ phú nhất thế giới: Mỹ dẫn đầu, bỏ xa Trung Quốc

24/05/2019 07:07 GMT+7
Đứng ở vị trí thứ hai trên danh sách 15 quốc gia có số lượng tỷ phú nhiều nhất thế giới nhưng Trung Quốc còn cách xa Mỹ cả về số lượng tỷ phú và tổng giá trị tài sản.

Theo một báo cáo mới đây từ Wealth-X Billionaire Census 2019 được CNBC dẫn lại, tổng tài sản của các tỷ phú trên toàn thế giới năm 2018 đã giảm tới 7% so với năm 2017. Cùng với đó, số lượng tỷ phú trên toàn thế giới đã giảm từ 2.754 người năm 2017 xuống chỉ còn 2.604 người năm 2018.

Báo cáo của Wealth-X Billionaire Census về 15 quốc gia có số tỷ phú đông nhất thế giới năm 2018

Mỹ là một trong số hiếm hoi quốc gia có lượng dân số siêu giàu tăng lên. Bằng chứng là các thống kê cho thấy số lượng tỷ phú nước này đã tăng từ 680 người (năm 2017) lên 705 người (năm 2018), chiếm 27% trong tổng số tỷ phú toàn cầu.

Mặt khác, tổng tài sản của các tỷ phú Mỹ chỉ giảm khoảng 5%, từ 3.200 nghìn tỷ USD xuống còn 3.013 nghìn tỷ USD, thấp hơn 2% so với mức bình quân toàn thế giới. Cũng theo Wealth-X Billionaire Census 2019, tại San Francisco, cứ 11.600 người dân lại có 1 tỷ phú.

Những dấu hiệu khởi sắc trên sàn giao dịch, sự tăng trưởng giá trị đồng USD cùng các cải cách thuế được thực hiện cuối năm 2017 đã tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho nền kinh tế nước này.

Trong khi lượng dân số siêu giàu tại Mỹ tăng, Nga lại chứng kiến sự gia tăng ngoạn mục ở tổng tài sản của giới tỷ phú. Cụ thể, tổng giá trị tài sản của các tỷ phú người Nga đã tăng tới 1.1% so với năm 2017. Nguyên nhân của tiến triển tích cực này được cho là do sự gia tăng kim ngạch hàng xuất khẩu tạo nên các dấu hiệu phục hồi kinh tế nước Nga.

Tại đa số các quốc gia còn lại, sự suy giảm nguồn cầu, bất ổn chính trị và căng thẳng thương mại leo thang khiến nền kinh tế phải đối mặt với các nguy cơ lớn. Tổng giá trị tài sản của các tỷ phú Châu Âu giảm 7% còn con số này tại Trung Đông là 7.9%.

Tại Trung Quốc, số lượng tỷ phú giảm từ 339 (năm 2017) xuống còn 285 (năm 2018), tức giảm gần 16%. Ước tính, tổng giá trị tài sản của giới siêu giàu nước này đã giảm tới 8%. Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ Trung, đặc biệt là chính sách thuế quan từ phía Hoa Kỳ rõ ràng đã giáng những đòn nặng nề lên nền kinh tế Trung Quốc. Đồng NDT của nước này không có được sự ổn định giá trị như đồng bạc xanh của nước Mỹ.

Ông Ma Shaban, giám đốc nghiên cứu và phân tích dữ liệu của Wealth-X Billionaire Census nhận định: “Nhìn chung, nền kinh tế Hoa Kỳ có khả năng phục hồi nhanh chóng hơn đa số các nền kinh tế khác.

Một ví dụ, trong xung đột thương mại Mỹ - Trung, thị trường chứng khoán Mỹ giữ ở mức khá ổn định trong khi thị trường chứng khoán Trung Quốc chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng (giảm xấp xỉ 20% tại Thượng Hải và Bắc Kinh). Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra sự suy giảm giá trị tài sản cũng như số lượng tỷ phú tại đất nước này”.

 

Xếp hạng 15 quốc gia có số lượng tỷ phú lớn nhất thế giới:

15. Singapore

Số tỷ phú: 39

Tổng tài sản: 84 tỷ USD

14. Canada

Số tỷ phú : 45

Tổng tài sản: 87 tỷ USD

13. Italia

Số tỷ phú: 47

Tổng tài sản: 141 tỷ USD

12. Brazil

Số tỷ phú: 49

Tổng tài sản: 154 tỷ USD

11. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất

Số tỷ phú : 55

Tổng tài sản: 165 tỷ USD

10. Pháp

Số tỷ phú : 55

Tổng tài sản: 195 tỷ USD

9. Arab Saudi

Số tỷ phú : 57

Tổng tài sản : 147 tỷ USD

8. Ấn Độ

Số tỷ phú : 82

Tổng tài sản: 288 tỷ USD

7. Hồng Kông

Số tỷ phú : 87

Tổng tài sản: 259 tỷ USD

6. Thụy Sĩ

Số tỷ phú : 91

Tổng tài sản của tỷ phú : 240 tỷ USD

5. Anh

Số tỷ phú : 97

Tổng tài sản: 209 tỷ USD

4. Nga

Số tỷ phú : 102

Tổng tài sản: 335 tỷ USD

3. Đức

Số tỷ phú : 146

Tổng tài sản: 438 tỷ USD

2. Trung Quốc

Số tỷ phú : 285

Tổng tài sản: 996 tỷ USD

1. Hoa Kỳ

Số tỷ phú : 705

Tổng tài sản : 3.013 tỷ USD

Cũng theo báo cáo của Wealth-X Billionaire Census, từ thiện là sở thích hàng đầu của các tỷ phú hiện nay. Báo cáo này cho biết, từ khối tài sản hiện có, đa số các tỷ phú muốn cống hiến một phần cho từ thiện.

Thống kê cũng chỉ ra những tỷ phú công nghệ thường hứng thú với từ thiện hơn các tỷ phú trong lĩnh vực khác. Điển hình là nhà sáng lập Microsoft Bill Gates, người dành tới hơn 45% tổng giá trị tài sản cho các hoạt động từ thiện. Michael Dell, Mark Zuckerberg, Larry Page, Jeff Bezos, Jack Ma… cũng được nhắc tên như những tỷ phú công nghệ có tích cực hoạt động từ thiện nhất thế giới.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục