Nợ toàn cầu phình to kỷ lục gây rủi ro cho các nền kinh tế lớn
Một nghiên cứu của IIF cho thấy cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã đẩy mức nợ toàn cầu lên kỷ lục mới 272 nghìn tỷ USD trong quý III/2020. Theo ước tính của cơ quan này, mức nợ toàn cầu có thể sẽ vượt kỷ lục lên tới 277 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay. Đó là hệ quả của hàng loạt biện pháp kích thích tài khóa mà nhiều chính phủ trên thế giới ban hành để cứu người tiêu dùng và doanh nghiệp khi đại dịch tàn phá nền kinh tế.
Bà Sonja Gibbs, giám đốc nghiên cứu các sáng kiến chính sách toàn cầu của IIF cho hay một rủi ro đáng lưu ý là mức tăng trưởng giảm tốc đi đôi cùng nợ quốc gia tăng vọt, đặc biệt là tại các nước phát triển - những nền kinh tế từ lâu đã chứng kiến tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức ổn định. “Về lâu dài, rủi ro từ các thị trường phát triển là lạm phát đình trệ, tăng trưởng yếu khiến chính phủ buộc phải giữ lãi suất thấp vô thời hạn. Đó là một nguy cơ lớn”.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống dưới 0 trong năm 2014, và buộc phải đưa lãi suất xuống mức âm kỷ lục mới do cuộc khủng hoảng đại dịch. Còn Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã áp dụng lãi suất 0% từ hai thập kỷ trước, và cũng buộc phải giảm lãi suất xuống mức âm trong thời gian gần đây.
Các nhà đầu tư, những người lựa chọn đổ tiền vào trái phiếu chính phủ vì sự ổn định trước đây cũng phải gánh chịu nhiều rủi ro hơn khi nợ quốc gia tăng lên và lợi suất giảm xuống mức thấp. Trong tuần này, Trung Quốc lần đầu tiên bán trái phiếu chính phủ với lợi suất âm. Vương quốc Anh cũng từng hành động như vậy vào hồi tháng 5. EU và Nhật Bản trước đó cũng đã đưa lãi suất cơ bản xuống mức 0 hoặc âm trong nỗ lực cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu để hỗ trợ nền kinh tế.
Trái phiếu lợi suất âm nghĩa là nhà đầu tư nắm giữ những trái phiếu này đến ngày đáo hạn sẽ nhận được ít hơn số tiền họ bỏ ra, tính cả lãi. Người mua trái phiếu lợi suất âm về cơ bản sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là về lợi nhuận khoản đầu tư này. “Các nhà đầu tư có thể lựa chọn mua trái phiếu chính phủ vì nó được coi là một tài sản trú ẩn an toàn khi các loại hình đầu tư khác ngày càng rủi ro trong một môi trường bất ổn như hiện tại. Nhưng làm thế nào để thu về lợi nhuận khi lãi suất trái phiếu rơi xuống mức âm?” - bà Gibbs nhấn mạnh. Cuối cùng, nhà đầu tư buộc phải chấp nhận thua lỗ do cần tính thanh khoản của trái phiếu chính phủ chất lượng cao. Về lâu dài, lãi suất âm phần nhiều phản ánh dấu hiệu của các vấn đề tiềm ẩn trong nền kinh tế.
“Đó là một vấn đề đã tồn tại ở Châu Âu trong nhiều năm, tiếp theo đó là Nhật Bản và mới đây nhất là Trung Quốc. Đó là sự biến dạng thị trường nghiêm trọng” - vị giám đốc nghiên cứu từ IIF nói thêm.