7 bước cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp

07/12/2020 13:30 GMT+7
Theo dự thảo mới của Bộ Công an, quy trình cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp sẽ diễn ra 7 bước. Dưới đây là chi tiết quy trình cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp.

Trình tự các bước cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp.

Mới đây, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

Tại dự thảo, Bộ Công an đã xuất một số điểm mới trong quy trình cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử. Cụ thể các bước này như sau: 

Bước 1: Công dân đến làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân xuất trình sổ hộ khẩu/chứng minh nhân dân (CMND)/thẻ Căn cước công dân hoặc các giấy tờ chứng minh nội dung thông tin của mình.

Tiếp đó, cán bộ tiếp nhận hồ sơ (gọi tắt là cán bộ) tiến hành kiểm tra, đối chiếu giấy tờ công dân xuất trình với thông tin trên phần mềm thu nhận hồ sơ Căn cước công dân (lấy từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

7 bước cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp - Ảnh 1.

Theo dự thảo mới của Bộ Công an, quy trình cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp sẽ diễn ra 7 bước. Ảnh minh họa Internet.

Điểm mới tại bước này, đó là Bộ Công an đề xuất công dân không còn phải kê khai vào tờ kê khai Căn cước công dân bằng giấy như bấy lâu nay. Thông tin cá nhân sẽ được cán bộ trích xuất từ dữ liệu điện tử như đã nêu ở trên.

Bước 2: Nếu công dân chuyển từ CMND 9 số, CMND 12 số hoặc thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch sang thẻ Căn cước công dân gắn chíp, cán bộ tiếp nhận hồ sơ thu, nộp, xử lý theo quy định.

Theo đó, trường hợp CMND hoặc thẻ Căn cước công dân còn rõ nét, cán bộ tiến hành cắt góc và trả lại cho công dân khi trả thẻ Căn cước công dân mới. Nếu CMND hoặc thẻ Căn cước công dân bị hỏng, bong tróc thì cán bộ phải thu và hủy.

Riêng với trường hợp đăng ký nhận thẻ Căn cước công dân mới qua đường chuyển phát, cán bộ phải cắt góc CMND hoặc thẻ Căn cước công dân cũ ngay tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ.

Bước 3: Cán bộ nhập thông tin về loại cấp thẻ Căn cước công dân, tả và nhập thông tin về đặc điểm nhân dạng của công dân.

Bước 4: Cán bộ thu nhận vân tay của công dân qua máy thu nhận vân tay. Hình thức thu nhận là vân tay phẳng 4 ngón chụm bàn tay phải, 4 ngón chụm bàn tay trái, 2 ngón cái và lần lượt từng vân tay lăn.

Trường hợp ngón tay bị cụt, khèo, dị tật, không lấy được vân tay, cán bộ phải ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó.

Bước 5: Cán bộ chụp ảnh chân dung của công dân. Ảnh chân dung là ảnh màu, phông nền trắng, chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính; trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự, không được sử dụng trang phục chuyên ngành.

Riêng trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên khi chụp ảnh nhưng phải bảo đảm rõ mặt.

Bước 6: Cán bộ in phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân, chuyển cho công dân để đối chiếu thông tin. Trường hợp hồ sơ, thủ tục chưa đầy đủ theo quy định thì cán bộ hướng dẫn công dân hoàn thiện để cấp thẻ Căn cước công dân.

Bước 7: Cán bộ giao giấy hẹn trả kết quả giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân.

Lưu ý, người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định.

Trả thẻ Căn cước công dân gắn chíp qua đường bưu điện

Khi trả thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ Căn Căn cước công dân cùng với Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân có gắn mã vạch đó, mỗi cạnh góc vuông là 1,5cm, ghi vào hồ sơ và trả cho công dân;


Trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ Căn cước công dân qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý Căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.


Trường hợp Chứng minh nhân dân 12 số, thẻ Căn cước công dân có gắn mã vạch bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân và chữ) thì thu, hủy Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân đó, ghi vào hồ sơ.

PV (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục