Từ 2021, ngồi nhà cũng có thể nhận thẻ Căn cước công dân gắn chíp?

05/12/2020 14:39 GMT+7
Theo dự thảo mới của Bộ Công an, người dân khi đổi thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử có thể yêu cầu chuyển phát qua bưu điện mà không phải đến tận nơi lấy.

Thủ tục đổi từ thẻ Căn cước công dân sang Căn cước công dân gắn chíp

Hôm qua (4/12), Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

Các nội dung gồm: thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân và trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương.

Đối với thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân, Khoản 2 Điều 9 của dự thảo quy định: Cơ quan, tổ chức có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân phải có văn bản đề nghị nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần khai thác và được thủ trưởng cơ quan, tổ chức đó ký tên, đóng dấu.

Từ 2021, ngồi nhà cũng có thể nhận thẻ Căn cước công dân gắn chíp - Ảnh 1.

Theo dự thảo mới của Bộ Công an, người dân khi đổi thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử của thể được nhận qua đường bưu điện. Ảnh minh họa

Công dân có nhu cầu khai thác thông tin thì có văn bản yêu cầu nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần khai thác; xuất trình thẻ Căn cước công dân để cơ quan Công an kiểm tra, xác định đúng người đề nghị khai thác thông tin...

Theo quy định của Luật Căn cước công dân và pháp luật hiện hành, công dân vẫn được sử dụng 3 loại thẻ (Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số và Căn cước công dân mã vạch) đến khi thẻ hết giá trị sử dụng. Như vậy, đối với thẻ Căn cước công dân có mã vạch vẫn còn hạn sử dụng sẽ không phải đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử. 

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính hướng tới thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử.

Khi công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân 12 số, thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch sang thẻ Căn cước công dân có gắn chíp thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiến hành như sau:

- Trường hợp Chứng minh nhân dân 12 số, thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch còn rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân và chữ) thì cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cùng Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân chưa cắt góc cho công dân đến làm thủ tục để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ Căn cước công dân có gắn chíp.

Trả thẻ Căn cước công dân gắn chíp qua đường bưu điện

Khi trả thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ Căn Căn cước công dân cùng với Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân có gắn mã vạch đó, mỗi cạnh góc vuông là 1,5cm, ghi vào hồ sơ và trả cho công dân;

Trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ Căn cước công dân qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý Căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân gắn mã vạch đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.

Trường hợp Chứng minh nhân dân 12 số, thẻ Căn cước công dân có gắn mã vạch bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân và chữ) thì thu, hủy Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân đó, ghi vào hồ sơ.

3 độ tuổi phải đổi thẻ Căn cước công dân

Theo Luật Căn cước công dân 2014, người từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân và phải được đổi khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Dự kiến với loại thẻ mới, đến tháng 7/2021, Bộ Công an sẽ cấp cho 50 triệu công dân.

Thẻ căn cước mới dự kiến có 20 trường thông tin do ngành công an quản lý (họ tên, năm sinh, quê quán...), ngoài ra sẽ tích hợp dữ liệu của ngành thuế, hải quan, bảo hiểm, bằng lái... Mẫu thẻ được kỳ vọng đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, giúp người dân trong tương lai đi làm thủ tục bớt phải mang cùng lúc nhiều giấy tờ.

Ngày 3/9, Thủ tướng phê duyệt quyết định 1368 về chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân với tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng, trong đó việc gắn chip điện tử là phần nhỏ trong tổng thể dự án.

Dự án này sẽ được triển khai đồng bộ song hành cùng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự kiến vận hành đầu năm 2021. Bộ Công an ước tính giá thành thẻ chíp đắt hơn thẻ vạch từ 10.000 đến 20.000 đồng.

PV (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục