7 tháng thực thi CPTPP: Cán cân thương mại tăng trưởng tích cực
Theo đánh giá của ngành công thương, tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay đang có nhiều tín hiệu tích cực và với đà này, việc hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2019 (hơn 4,94 tỷ USD) là trong "tầm tay". Đặc điểm nổi bật là xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước thuộc khu vực CPTPP như Nhật Bản, Canada và Mexico đạt mức tăng đáng kể 7 tháng đầu năm 2019.
Đồng thời, nhập khẩu từ Mexico giảm 659 triệu USD, Singapore giảm 490 triệu USD và Malaysia giảm 219 triệu USD.
CPTPP và những thành quả
Tính chung từ đầu năm đến nay, doanh thu xuất khẩu của Việt Nam với các nước CPTPP chiếm 15,4% trong tổng doanh thu xuất khẩu của nước ta. Các nền kinh tế CPTPP chiếm 6 trong số 27 thị trường xuất khẩu với giá trị vượt quá 1 tỷ USD. Kết quả này cho thấy, CPTPP đã giúp Việt Nam xoay chuyển cán cân thương mại rất tích cực từ thâm hụt sang mức thặng dư.
Theo đánh giá của Tổng Lãnh sự Canada tại TP. Hồ Chí Minh Kyle Nunas, với lộ trình giảm thuế theo cam kết khá nhanh của Canada (từ 17 - 18% xuống 0% trong vòng 3 năm), một số nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh từ năm 2019 như dệt may, giày dép, túi xách, nhựa, đồ gỗ... Giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư Canada cũng đặc biệt quan tâm đến lộ trình mở cửa thị trường của Việt Nam đối với một số sản phẩm nông sản như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy sản, hoa quả tươi…
Bên cạnh đó, Australia cũng là thị trường có nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu. Sau khi CPTPP có hiệu lực, rau, củ, thủy sản Việt Nam bước đầu đã tận dụng được cơ hội để tăng xuất khẩu sang Australia. Đặc biệt, Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường cá tra tại Australia với 98% sản lượng tiêu thụ cá tra tại nước này.
Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Baseafood cho biết, năm 2019 tình hình xuất khẩu của công ty có nhiều thuận lợi hơn do nhu cầu của thị trường thế giới tăng, các đơn hàng xuất khẩu cũng nhiều hơn. Thêm vào đó, tận dụng các ưu đãi từ CPTPP, công ty tiếp tục phát triển thị trường, tăng sức cạnh tranh. Nếu như trước đây nguồn nguyên liệu nhập từ Newzealand, Australia để chế biến sản phẩm xuất sang Nhật đều bị đánh thuế cao thì hiện nay, thuế xuất khẩu vào các nước thuộc CPTPP giảm về 0%. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, hàng hóa có sức cạnh tranh cao hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), nhu cầu mạnh mẽ hơn đối với các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam từ các nền kinh tế CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp các nhà xuất khẩu Việt Nam bù đắp sự suy giảm xuất khẩu các mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc trong thời gian gần đây do các nhà nhập khẩu nước này siết chặt thị trường.
Những chính sách trợ giúp doanh nghiệp tận dụng CPTPP
Để giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội thuế quan từ CPTPP, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2019/NĐ- CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện CPTPP giai đoạn 2019 - 2022. Theo đó, để được áp dụng ưu đãi thuế theo CPTPP, doanh nghiệp phải có C/O ưu đãi là chứng từ xuất xứ đủ điều kiện về nguồn gốc theo quy định của hiệp định, có thể được cấp cho nhiều lô hàng với điều kiện không quá 12 tháng và cấp cho nhiều nhà nhập khẩu khác nhau.
Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, nhằm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng được các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, ngành sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức hoạt động cấp giấy chứng nhận C/O theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Việc ưu đãi thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các quốc gia trong CPTPP được áp dụng theo 2 giai đoạn. Ngay từ cuối năm 2018, 4 quốc gia gồm Canada, Australia, New Zealand và Singapore đã cho phép xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm thủy sản, gạo, cà phê, rau quả... từ Việt Nam; hàng nhập khẩu cũng tương tự; một số nước như Mexico, Chile, Peru áp dụng từ năm 2019.