8 tháng 2021, Việt Nam chi hơn 500 triệu USD mua đường, ngành mía đường tiếp tục “khủng hoảng”

16/10/2021 06:30 GMT+7
Trước tình trạng đường nhập khẩu tiếp tục tăng về số lượng, ngành mía đường trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn về thị trường.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã chi ra số tiền kỷ lục 535.855.639 USD để nhập khẩu 1.100.997 tấn đường. Con số này cao hơn số liệu cùng kỳ năm 2020 là 391.170.579 USD để nhập khẩu 974.258 tấn đường.

Thông tin với Etime/Dân Việt đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tình trạng trên khiến đường nhập khẩu với ưu thế về số lượng đã hoàn toàn làm chủ thị trường.

"Cùng với đó, đây cũng là tác nhân chính đẩy giá đường trong nước tăng đột biến trong tháng 9, mặc dù nhu cầu về đường trong nước giảm sút dưới tác dụng của dịch bệnh Covid 19 và hạn chế lưu thông hàng hóa", đại diện VSSA thông tin.

8 tháng 2021, Việt Nam chi hơn 500 triệu USD mua đường, ngành mía đường tiếp tục “khủng hoảng” - Ảnh 1.

Đường nhập khẩu tăng cao tiếp tục "làm khổ" ngành mía đường trong nước. (Ảnh: VOV)

Về các nguồn cung đường trong nước, VSSA cho biết, vụ sản xuất mía đường 2020/21 đã kết thúc với sản lượng đường 689.830 tấn đường thấp hơn sản lượng 763,931 tấn đường của vụ trước.

Trước những diễn biến trên, VSSA, dự báo tháng 10/2021, nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với đường sản xuất từ mía trong nước đang tồn kho.

Ngoài ra, còn có lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 97.000 tấn đường năm 2021 đã được tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng hạn ngạch vào ngày 29/9/2021.

"Như vậy các nguồn cung dồi dào và sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 10/2021 và tháng 11/2021 và ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.

Do giá đường đường thế giới đang ở mức cao nhất trong 4 năm gần đây cộng với chi phí vận chuyển quốc tế cũng đang ở mức rất cao, giá đường trong nước sẽ tiếp cận với giá đường trong khu vực, tuy nhiên vẫn thấp hơn giá đường Thái Lan nhập khẩu có đóng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp", đại diện VSSA nêu.

Cũng theo nhận định từ phía VSSA, đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Laos, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng lớn khi so sánh cùng kỳ với 8 tháng đầu năm 2020 là rất bất thường.

"Mức tăng từ 90,888 tấn (2020) lên 570,245 tấn (2021) tức hơn 6 lần so với cùng kỳ. Thực chất đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đã chuẩn bị và nộp hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đến Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương)", đại diện VSSA thông tin.

Trước đó, ngày 21/09/2021, Bộ Công thương đã ban hành quyết định 2171/QĐ-BCT về điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gồm chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, lẩn tránh thông qua năm nước là Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục