94% cổ phiếu sụt giảm và bài toán lên sàn của các ngân hàng hậu Covid-19

03/06/2020 08:51 GMT+7
Tác động của dịch Covid-19 khiến lợi nhuận các ngân hàng "cài số lùi". Trong khi đó rủi ro nợ xấu lại gia tăng… Đây là những yếu tố không có lợi đối với các ngân hàng định lên sàn trong năm nay.

"Lỗi hẹn" lên sàn vì Covid-19

Tại Đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020, HĐQT MaritimeBank (MSB) đã trình và được cổ đông ngân hàng thông qua việc rút lại hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên sàn HoSE.

MaritimeBank là ngân hàng đầu tiên báo hoãn lên sàn chứng khoán trong năm nay. Trước đó, nhà đầu tư cũng như các cổ đông ngân hàng này khấp khởi mừng khi hồi cuối năm 2019, MaritimeBank đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 1,175 tỷ cổ phiếu lên HoSE, với mã chứng khoán MSB.

94% cổ phiếu sụt giảm và bài toán lên sàn của các ngân hàng hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Ngân hàng lại "lỗi hẹn" lên sàn vì Covid-19

Lý giải cho quyết định trên, Phó Chủ tịch HĐQT MaritimeBank Huỳnh Bửu Quang cho hay, cuối năm 2019, ngân hàng đã nộp hồ sơ nhưng có thể do khối lượng hồ sơ lớn cho nên chưa xử lý kịp. Bước sang đầu năm 2020 lại xuất hiện dịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ số VN-Index cũng liên tục suy giảm. Trong khi các cổ đông dù lớn hay nhỏ đều mong muốn giá cổ phiếu sao phải tương xứng với giá trị của ngân hàng.

"Chúng tôi phân tích có đến 94% cổ phiếu các ngân hàng sụt giảm, có những cổ phiếu giảm đến hơn 30% giá trị trên thị trường. Nếu niêm yết thời điểm đầu 2020 khi dịch bệnh xảy ra thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích cổ đông. Do vậy, ngân hàng quyết định hoãn kế hoạch niêm yết lên sàn HoSE", lãnh đạo MaritimeBank lý giải về quyết định của mình. Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng này cũng cam kết với cổ đông chắc chắn sẽ niêm yết khi điều kiện thị trường thuận lợi.

OCB cũng là một trong những ngân hàng đang được kỳ vọng lên sàn trong năm nay. Trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, ngân hàng vẫn chưa thay đổi kế hoạch lên sàn trong năm nay. Hiện tại, ngân hàng đang cố gắng hoàn tất thủ tục bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bước tiếp theo ngân hàng sẽ lên sàn như dự định vào cuối năm nay. Nhưng lãnh đạo OCB cũng bỏ ngỏ về thời điểm ngân hàng sẽ lên sàn bởi nếu thị trường chứng khoán quá xấu thì có thể xê dịch thời điểm, nhưng sẽ không quá muộn theo yêu cầu của NHNN.

"Một trong những mục tiêu chính của ngân hàng khi lên sàn đảm bảo độ minh bạch, nhưng cũng phải cân nhắc tới quyền lợi của cổ đông. Vì lên thời điểm quá xấu, giá cổ phiếu sụt giảm chẳng khác gì bán rẻ tài sản của cổ đông, nhà đầu tư. Do vậy, ngân hàng sẽ cân nhắc thời điểm phù hợp để lên sàn", ông Tùng đưa ra quan điểm.

Không lên sàn bằng mọi giá?

Tính đến nay, toàn hệ thống ngân hàng chỉ mới có 18 ngân hàng niêm yết cổ phiếu lên sàn trong đó có 10 ngân hàng giao dịch trên HoSE gồm: VCB, CTG, BID, MBB, EIB, STB, TCB, HDB, TPB, VPB. 3 ngân hàng trên HNX là ACB, SHB, NVB và 5 ngân hàng giao dịch trên UPCoM với mã giao dịch LPB, VIB, VBB, BAB, KLB.

Trong khi đó, tại Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có yêu cầu bắt buộc thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các NHTMCP theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.

94% cổ phiếu sụt giảm và bài toán lên sàn của các ngân hàng hậu Covid-19 - Ảnh 3.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu các ngân hàng lên sàn sẽ không được hưởng lợi một cách trọn vẹn như kỳ vọng đặt ra của Đề án cũng như bản thân các ngân hàng.

Theo đánh giá của Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng Phan Dũng Khánh, mặc dù Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" tác động tích cực trong dài hạn đối với thị trường chứng khoán nói chung, các ngân hàng nói riêng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu các ngân hàng lên sàn sẽ không được hưởng lợi một cách trọn vẹn như kỳ vọng đặt ra của Đề án cũng như bản thân các ngân hàng.

Trên thực tế, số lượng các công ty niêm yết trên sàn từ năm ngoái đã sụt giảm mạnh so với giai đoạn 2017-2018, thêm cú bồi Covid khiến cho khả năng lên sàn khó thành công hơn. Dù thị trường chứng khoán hồi phục trong gần 2 tháng trở lại đây, nhưng giá cổ phiếu của nhiều DN chỉ phục hồi được một nửa giá đã bị giảm so với thời điểm đầu năm. Đặc biệt, hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tiếp tục bán ròng cổ phiếu. Và thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu tăng trưởng không bền vững khi thị trường có xu hướng đi ngược lại với tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là tất cả các ngân hàng trì hoãn việc lên sàn. Việc có hay không lên sàn theo quan điểm của ông Khánh còn tuỳ theo mục đích của ngân hàng. 

Trong trường hợp, mục tiêu ngân hàng muốn niêm yết trên sàn giúp nâng cao thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong hoạt động kinh doanh tạo cơ hội cho nhà đầu tư tìm hiểu trong dài hạn và các cổ đông không quan tâm quá nhiều về việc giá phải tốt trong thời điểm lên sàn, ngân hàng vẫn có thể triển khai kế hoạch lên sàn. 

Còn đối với ngân hàng muốn được hưởng lợi mọi mặt như giá cổ phiếu tốt, tiếp cận được nhiều dòng vốn hơn nhất là nhà đầu tư nước ngoài… thì không nên lên sàn trong năm nay.

Dưới góc độ ngân hàng, lãnh đạo VietCapital Bank tỏ ra dè dặt cho biết, ngân hàng hoàn tất các thủ tục và cũng mong sớm đưa cổ phiếu lên UPCoM. Song khả năng kế hoạch lên UPCoM của ngân hàng có thể sẽ phải tạm hoãn do dịch bệnh kéo dài. Bởi các báo cáo phân tích đưa ra gần đây cũng nhận định, tác động của dịch Covid-19 khiến lợi nhuận các ngân hàng sụt giảm do giảm mạnh lãi suất hỗ trợ khách hàng, kinh doanh khó khăn hơn khi sức khoẻ sụt giảm mạnh, trong khi đó rủi ro nợ xấu lại gia tăng… Đây là những yếu tố không có lợi đối với các ngân hàng định lên sàn trong năm nay.

Với thực tế hiện tại, giới chuyên môn cho rằng, cần phải cân nhắc không nên cố lên sàn bằng mọi giá. Bởi kinh tế khó khăn khả năng thất bại cũng khá cao ảnh hưởng đến giá cổ phiếu cũng như uy tín của ngân hàng.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục