ADB: Dịch Covid-19 đẩy 80 triệu người châu Á rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực

24/08/2021 10:17 GMT+7
Theo báo cáo mà Ngân hàng Phát triển châu Á ADB vừa công bố, đại dịch Covid-19 đã đẩy khoảng 75 triệu đến 80 triệu người dân ở các nền kinh tế châu Á mới nổi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2020.

Ước tính mới nhất của ADB về tình trạng đói nghèo cùng cực ở châu Á, được hiểu là những người có thu nhập dưới 1,9 USD mỗi ngày, cho thấy đại dịch Covid-19 đã đẩy khoảng 75 triệu đến 80 triệu người dân ở các nền kinh tế châu Á mới nổi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2020. Báo cáo dựa trên ước tính của ADB với 35 nền kinh tế mới nổi trong khu vực, chẳng hạn Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Papua New Guinea. Đây được đánh giá là một bước lùi với chương trình nghị sự phát triển bền vững của khu vực nói chung và với nỗ lực xóa đói giảm nghèo của các chính phủ nói riêng.

Theo báo cáo, khoảng 203 triệu người, tương đương 5,2% dân số trong khu vực châu Á đã sống trong cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2017. Nếu không có đại dịch, những con số đó sẽ giảm xuống còn khoảng 104 triệu người, tương đương 2,6% dân số vào năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch đã ngăn cản quá trình xóa đói giảm nghèo của các quốc gia, đồng thời tiến độ cải thiện hệ thống y tế - giáo dục và nhiều lĩnh vực khác cũng bị chậm lại đáng kể.

ADB: Dịch Covid-19 đẩy 80 triệu người châu Á rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực - Ảnh 1.

ADB: Dịch Covid-19 đẩy 80 triệu người châu Á rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực (Ảnh: AP)

Nhà kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB nhận định: “Các quốc gia châu Á Thái Bình Dương đã đạt được những bước tiến ấn tượng về kinh tế - xã hội, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những nứt gãy và có nguy cơ làm suy yếu đà phát triển bền vững của khu vực”. 

Nền kinh tế đang phát triển của châu Á đã ghi nhận tăng trưởng GDP giảm tốc 0,1% vào năm ngoái, đây được đánh giá là cuộc suy thoái đầu tiên của khu vực trong gần sáu thập kỷ. Nhiều chính phủ đã buộc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và hạn chế khả năng di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, dẫn đến sự suy giảm mạnh mẽ về GDP ở một số quốc gia. Chẳng hạn, năm ngoái, Philippines báo cáo tăng trưởng GDP -9,6% trong khi Ấn Độ ghi nhận tăng trưởng GDP -7,3%.

Theo báo cáo, khu vực châu Á cũng ghi nhận mức giảm khoảng 8% số giờ làm việc do các biện pháp hạn chế di chuyển. Đáng chú ý, các hộ gia đình nghèo, người lao động trình độ thấp và người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Báo cáo của ADB cũng nhấn mạnh: “Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng bất bình đẳng xã hội - kinh tế lâu nay mà hàng triệu người đang sống dưới hoặc tiệm cận mức nghèo khổ phải trải qua”.

ADB kỳ vọng châu Á sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay với mức tăng trưởng GDP ước tính 7,2% so với năm ngoái. Tuy nhiên, đà lây lan của biến thể Delta khiến số ca nhiễm mới Covid-19 tăng vọt ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có cả các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang đặt ra nhiều triển vọng ảm đạm. Tại nhiều quốc gia Đông Nam Á với tỷ lệ tiêm chủng thấp, các chính phủ đã buộc phải áp đặt trở lại nhiều biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt.

Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa đã kêu gọi một chiến lược phục hồi toàn diện trên toàn khu vực:  “Về lâu dài, sự gián đoạn do đại dịch gây ra có thể gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến nguồn nhân lực và năng suất lao động. Chúng ta cần phát triển một cách tiếp cận chính sách lấy nguồn nhân lực làm trung tâm của đà phục hồi, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau."


NTTD
Cùng chuyên mục