Biến thể Delta và loạt rủi ro phủ bóng ảm đạm lên TTCK châu Á

23/08/2021 15:09 GMT+7
Thị trường chứng khoán châu Á hoạt động kém hơn phần còn lại của thế giới từ đầu quý III đến nay khi các nhà đầu tư toàn cầu tìm cách rút lui khỏi khu vực trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng lên buộc chính phủ siết chặt các biện pháp hạn chế kiểm dịch.

Các chiến lược gia và nhà quản lý đầu tư dự báo triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) châu Á từ nay đến cuối năm phụ thuộc vào tiến trình và tốc độ tiêm chủng của các quốc gia trong khu vực. Nhưng dù sớm đạt tỷ lệ tiêm chủng cao tương đối, TTCK khu vực vẫn đối diện sức ép lớn trong việc thu hút dòng vốn khi Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, gây bất lợi cho các thị trường khác trong khi Trung Quốc siết chặt quy định pháp lý khiến nhà đầu tư quan ngại.

Kể từ cuối tháng 6, chỉ số Nikkei tại Nhật Bản đã giảm hơn 6% và chạm mức thấp nhất trong năm nay.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi bốc hơi 7%.

Chỉ số PSE của Philippines mất gần 4%. 

Chỉ số MSCI mở rộng tại các thị trường châu Á ngoại trừ Nhật Bản giảm hơn 8% trong cùng kỳ, đặc biệt sau đà bán tháo mạnh mẽ được ghi nhận hồi tuần trước.

Để so sánh, chỉ số MSCI mở rộng của Mỹ và châu Âu vẫn nằm vững chắc trong vùng tích cực tính đến nay. 

Biến thể Delta và loạt rủi ro phủ bóng ảm đạm lên TTCK châu Á - Ảnh 1.

Biến thể Delta và loạt rủi ro phủ bóng ảm đạm lên TTCK châu Á (Ảnh: Nikkei Asian Review - Reuters)

Kota Hirayama, nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại SMBC Nikko Securities (Tokyo) nhận định: “Làn sóng dịch Covid-19 mới nhất đang đẩy dòng tiền ra khỏi châu Á. Đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp”.

Trong khi các chính phủ gấp rút tăng tốc độ tiêm chủng vắc xin, việc kết hợp các phản ứng hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt như phong tỏa khu vực hoặc ban hành tình trạng khẩn cấp có nguy cơ sẽ làm tổn thương đà phục hồi của nền kinh tế. 

Chẳng hạn Nhật Bản, quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày tăng lên mức kỷ lục vào tuần trước, đã kéo dài tình trạng khẩn cấp với Tokyo và 5 khu vực khác đến tháng 9, đồng thời đưa thêm 7 tỉnh nữa vào tình trạng khẩn cấp này. Mizuho Securities dự báo tác động kinh tế từ sắc lệnh này với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể lên tới khoảng 1 nghìn tỷ yên (9,1 tỷ USD).

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang trải qua đợt bùng phát dịch quy mô lớn nhất kể từ đầu năm. Chính phủ Bắc Kinh đã gắn nhãn nguy cơ cao với hàng chục khu vực tỉnh thành, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt như hạn chế di chuyển, xét nghiệm hàng loạt. Điều này dẫn đến tăng trưởng doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp Trung Quốc trong tháng 7 thấp hơn dự báo của các nhà phân tích. Nhà đầu tư đang ngày càng quan ngại về triển vọng kinh tế Trung Quốc nói riêng và khu vực châu Á nói chung khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Masamitsu Ohki, giám đốc danh mục đầu tư của Fivestar Asset Management ở Tokyo cho hay đánh giá của ông về triển vọng thị trường châu Á đã thay đổi nhiều so với hồi đầu năm. “Thị trường chứng khoán khu vực đang bị ảnh hưởng bởi hàng loạt yếu tố tiêu cực, từ sự hồi sinh các làn sóng dịch Covid-19 cho đến sự siết chặt quy định của chính phủ Trung Quốc. Kể từ khoảng tháng 6 đến nay, ngày càng xuất hiện nhiều yếu tố rủi ro khiến nhà đầu tư lo ngại”.

Các nhà đầu tư đang rút lui khỏi thị trường tiền tệ cũng như cổ phiếu châu Á.

Hôm 10/8, tỷ giá đồng baht Thái so với USD đã trượt xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm khi số ca nhiễm mới Covid-19 ở Thái Lan tăng gấp 4 lần chỉ từ cuối tháng 6 đến nay. Triển vọng du lịch ảm đạm đang ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân tài khoản vãng lai quốc gia. Bangkok hiện đang tiếp tục mở rộng các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm ban đêm cho đến ít nhất cuối tháng này. Động thái này đe dọa trực tiếp kế hoạch mở cửa du lịch trở lại với du khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ vào tháng 10 tới mà Thủ tướng Prayuth Chan-ocha thúc đẩy. Cho tới nay, chỉ khoảng 8% dân số Thái Lan đã được tiêm đủ hai liều vắc xin.

Tỷ giá đồng won của Hàn Quốc so với USD cũng suy yếu xuống mức thấp nhất trong gần một năm.

Đồng peso của Philippines mất giá gần 5% trong hai tháng qua khi Manila bị phong tỏa từ đầu tháng do sự tăng mạnh các ca nhiễm mới. Chính phủ Philippines đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6-7% xuống chỉ còn 4-5%. Tỷ lệ tiêm chủng của Philippines hiện là khoảng 12%.

Frank Benzimra, chiến lược gia đầu tư khu vực Châu Á tại Societe Generale (Hồng Kông) cho biết: “Với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta gây nguy hiểm cho cả những người được tiêm đầy đủ hai liều vắc xin, một thước đo quan trọng mà nhà đầu tư quan tâm lúc này sẽ là tỷ lệ ca nhiễm mới. Khi nhà đầu tư chờ đợi những chuyển biến mới, thị trường châu Á có thể sẽ tiếp tục trầm lắng và đi ngang”.

Thêm vào đó, làn sóng Covid-19 gia tăng ở châu Á bắt đầu cùng thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ báo hiệu chuẩn bị đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng. Vào tháng 6, các quan chức Fed dự báo sẽ tăng lãi suất sớm nhất vào năm 2023, sớm hơn 1 năm so với dự báo trước đó. Thị trường cũng cho rằng Fed sẽ sớm thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ USD hàng tháng từ cuối năm nay. Triển vọng về một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Mỹ đã thúc đẩy đồng USD mạnh lên mức cao nhất trong năm, làm trầm trọng thêm tình trạng suy yếu của các nền kinh tế mới nổi và gia tăng gánh nặng cho các khoản nợ bằng đồng USD ở châu Á. 

Nhà phân tích Kota Hirayama từ SMBC cho hay: “Triển vọng ở Mỹ sáng lên kết hợp với làn sóng dịch Covid-19 ở châu Á đã cho nhà đầu tư nhiều động lực để dịch chuyển khỏi các thị trường châu Á mới nổi nhằm giảm bớt rủi ro”.


NTTD
Cùng chuyên mục