Biến thể Delta đang thách thức đà phục hồi kinh tế toàn cầu như thế nào?

21/08/2021 14:25 GMT+7
Các nhà kinh tế Bloomberg Economics dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu quý III sẽ ở mức khoảng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh nhiều quốc gia ghi nhận sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 do biến thể Delta gây ra.

Hai nhà kinh tế tại Bloomberg Economics là Bjorn Van Roye và Tom Orlik nhận định diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 do biến thể Delta gây ra hiện tại sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. 

Tuy nhiên, tính đến nay, các chỉ báo kinh tế vẫn cho thấy một khởi đầu tích cực cho nền kinh tế trong quý III, khi đà phục hồi toàn cầu tiếp tục mạnh mẽ hơn và lạm phát dần được điều chỉnh. Đó là kết luận của Bloomberg sau khi phân tích hàng trăm dữ liệu kinh tế tổng hợp từ các quốc gia trên khắp hành tinh: từ doanh số bán lẻ tại Mỹ cho đến sản lượng sản xuất của Trung Quốc.

Theo Bloomberg, đằng sau những con số phản ánh tốc độ phục hồi khác nhau của các nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc - với khả năng kiểm soát nhanh chóng đại dịch Covid-19 và Mỹ - với các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng kỷ lục để kích thích nền kinh tế là hai quốc gia được đánh giá đã phục hồi về mức sản lượng kinh tế trước khi đại dịch xuất hiện. Điều này cho phép cả hai trở thành những động lực chính thúc đẩy đà phục hồi của toàn cầu. Ngược lại, tại khu vực đồng Euro và vương quốc Anh, nền kinh tế vẫn chưa thể quay trở về mức trước đại dịch. 

Tại nền kinh tế lớn thứ ba hành tinh là Nhật Bản, việc chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin đang cản trở đà phục hồi trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 không ngừng tăng lên buộc chính phủ áp đặt các biện pháp khẩn cấp với nhiều điểm nóng lây lan bao gồm cả Tokyo.

Biến thể Delta đang thách thức đà phục hồi kinh tế toàn cầu như thế nào? - Ảnh 1.

Theo Bloomberg, kinh tế toàn cầu hiện đã phục hồi về mức trước đại dịch (Ảnh: Bloomberg)

Cũng theo Bloomberg, đà phục hồi toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi công tác xử lý đại dịch tại các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á - nơi biến thể Delta đang lây lan mạnh tại nhiều quốc gia. 

Trung Quốc dù đã kiểm soát thành công dịch bệnh trong phần lớn năm qua nhưng hiện cũng phải đối mặt với những rủi ro mới do các ổ dịch bùng phát. Chính phủ Bắc Kinh đã buộc phải áp đặt hàng loạt biện pháp phong tỏa mạnh tay để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta. 

Tại Mỹ, biến thể Delta đã làm tăng nhanh số ca nhiễm Covid-19 ở nhiều bang. Trong tuần này, hãng hàng không Southwest Airlines Co.  cho hay các trường hợp nhiễm mới tăng cao đã bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động đặt vé máy bay của Mỹ.

Ngoài ra, liên quan đến lạm phát, vấn đề vốn được nhận định là một trong những rủi ro chính đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu; một số nhà quan sát lo ngại lạm phát kéo dài sẽ hạn chế dư địa của các ngân hàng trung ương trong việc duy trì biện pháp kích thích nền kinh tế.  Tuy nhiên, các mô hình hiện tại của Bloomberg Economics đang cho thấy một số tín hiệu sáng.

Chẳng hạn tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 3 tháng gần nhất đều tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, mô hình của  Bloomberg Economics chỉ ra rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh và bắt đầu giảm tốc trong quý III. Cục Dự trữ Liên bang Fed đã cho biết trong cuộc họp Ủy ban Thị trường mở FOMC gần nhất rằng sẽ duy trì lãi suất thấp hiện tại nhưng xem xét giảm quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE) trị giá 120 tỷ USD từ đầu năm sau. 

Tại khu vực đồng Euro, dù đà phục hồi kinh tế vẫn đi sau các nền kinh tế lớn khác như Mỹ và Trung Quốc, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đang tăng tốc và lạm phát được dự báo sẽ không tăng nóng như Mỹ. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu có thể mở rộng chương trình mua tài sản để hỗ trợ đà tăng trưởng.

Tại Nhật Bản, mức lạm phát trong quý III dự kiến sẽ đi ngang ở khoảng 0,1%. Đây là lời cảnh báo đến các ngân hàng trung ương toàn cầu rằng sau khi hiện tượng lạm phát dịu đi, vấn đề nghiêm trọng hơn là lạm phát quá thấp dưới ngưỡng mục tiêu. 

Tại các thị trường mới nổi có đà phục hồi nhanh hơn dự kiến được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích đáng kể suốt thời gian qua như Nga và Brazil, các ngân hàng Trung ương đang xem xét bình thường hóa chính sách tiền tệ thông qua nâng lãi suất trở lại.


NTTD
Cùng chuyên mục