Lo biến thể Delta, nhiều nước giàu vội tiêm mũi vắc xin thứ 3 bất chấp WHO phản đối

20/08/2021 12:13 GMT+7
Mỹ và một số quốc gia giàu có, tiên tiến đang bắt đầu tiêm bổ sung liều vắc xin Covid-19 thứ 3 cho người dân để tăng cường hệ miễn dịch trong bối cảnh làn sóng dịch mới đe dọa đà phục hồi kinh tế.

Gần đây, chính phủ Mỹ đã công bố kế hoạch tiêm bổ sung một liều vắc xin Covid-19 nhắc lại cho mỗi công dân trưởng thành để tăng cường hệ miễn dịch, qua đó bảo vệ đà phục hồi kinh tế khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, các quan chức y tế toàn cầu cảnh báo động thái này có thể làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng trong tỷ lệ tiêm chủng vắc xin trên toàn cầu.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC, 50% người Mỹ đã hoàn thành việc tiêm phòng vắc xin Covid-19. Nhưng do sự lây lan của biến thể delta nguy hiểm, số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 vẫn đang gia tăng, tạo nên thách thức lớn cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi mũi tiêm bổ sung này là “phương pháp tốt nhất để bảo vệ công dân khỏi các biến thể mới có thể xuất hiện”.

Lo biến thể Delta, nhiều nước giàu vội tiêm mũi vắc xin thứ 3 bất chấp WHO phản đối - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin Covid-19 ở Phnom Penh (Ảnh: Reuters)

Không chỉ riêng nước Mỹ, một số quốc gia như Đức và Pháp cũng quyết định tiêm liều vắc xin tăng cường cho nhóm người lớn tuổi bắt đầu từ tháng tới. Vương quốc Anh cũng đang xem xét việc tiêm bổ sung liều vắc xin thứ ba.

Ngay tại Nhật Bản, quốc gia vốn đang có tỷ lệ tiêm chủng thấp đáng kể so với các nước phát triển, cũng đang cân nhắc tiêm bổ sung mũi tăng cường. Taro Kono, quan chức cấp cao Nhật Bản phụ trách vấn đề tiêm chủng vắc xin cho hay: “Nếu các mũi tiêm nhắc lại được đánh giá là cần thiết cho các nhân viên y tế tham gia điều trị Covid-19 thì chúng tôi sẵn sàng chuẩn bị để tiêm liều tăng cường”.

Một điều gây tranh cãi trong cuộc thảo luận về mũi tiêm tăng cường là tính hiệu quả. Nghiên cứu của Moderna cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin trước các biến thể như Delta bắt đầu giảm khoảng 6 tháng sau khi tiêm đủ 2 liều vắc xin. Pfizer cũng cho hay người dân có thể cần được tiêm liều nhắc lại thứ ba trong khoảng 6-12 tháng sau khi tiêm liều thứ hai.

Nhưng Tổ chức Y tế Thế giới WHO khẳng định rằng không có bằng chứng khoa học mạnh mẽ nào cho thấy cần tiêm nhắc lại liều vắc xin thứ ba. Thay vào đó, liều tăng cường này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự chênh lệch phân bổ vắc xin trên toàn cầu. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay: “Tôi đã kêu gọi tạm ngừng tiêm liều vắc xin tăng cường để chuyển nguồn cung vắc xin này cho những quốc gia đang thiếu vắc xin trầm trọng, chưa thể tiêm cho nhân viên y tế hay những quốc gia có nguy cơ cao và đang trải qua các đợt bùng phát dịch nguy hiểm”.

Sự chênh lệch trong nguồn cung cấp vắc xin có liên quan đến sự chậm trễ của COVAX, sáng kiến do WHO dẫn đầu nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vắc xin cho các nước nghèo và đang phát triển. Các quốc gia giàu sẽ tài trợ cho COVAX để mua vắc xin và phân phối đến 92 quốc gia thu nhập thấp hơn để đảm bảo sự cân bằng nguồn cung. Mục tiêu là cung cấp 2 tỷ liều trong năm nay đến các nước nghèo, nhưng cho đến giữa tháng 8, ước tính mới chỉ có khoảng 200 triệu liều được bàn giao.

Tỷ lệ tiêm chủng ở các quốc gia giàu hiện đã vượt quá 100 liều cho mỗi 100 người dân, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc xin cũng rất cao, theo dữ liệu của Our World in Data. Nhưng ở các nước thu nhập thấp, tỷ lệ này là 1,8 liều trên 100 người. Ở châu Phi, nơi chủ yếu phụ thuộc vào Sáng kiến COVAX để có vắc xin, ố ca tử vong hàng tuần đã tăng lên mức kỷ lục trong bối cảnh thiếu vắc xin trầm trọng. 

Các nhà lãnh đạo từ nhóm 7 nền kinh tế lớn G7 đã quyết định tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra hồi tháng 6 về việc tài trợ 870 triệu liều vắc xin thông qua cơ chế COVAX. Khoảng một nửa trong đó sẽ được bàn giao trong năm nay. 


NTTD
Cùng chuyên mục