Ai phải đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip?

27/04/2021 07:11 GMT+7
Đối với các trường hợp CMND, Căn cước công dân mã vạch vẫn còn giá trị sử dụng và không thay đổi thông tin thì vẫn có thể sử dụng bình thường - không cần đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip.

Căn cước công dân gắn chip chứa những thông tin gì?

Sự khác biệt lớn nhất của Căn cước công dân gắn chip so với các loại giấy tờ tùy thân như Chứng minh nhân dân hay Căn cước công dân mã vạch chính là con chip nằm ở mặt sau của thẻ.

Trong con chip này chứa các thông tin về nhân thân của mỗi công dân, như: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; quê quán; vân tay, võng mạc, hình ảnh, đặc điểm nhận dạng… Đồng thời, trong tương lai gần, chip trên thẻ Căn cước công dân còn chứa thông tin liên quan đến bảo hiểm, ngân hàng, giấy phép lái xe… của người sử dụng.

Ngoài chip, trên thẻ Căn cước công dân mẫu mới còn có mã QR ở mặt trước của thẻ. Khi quét mã này sẽ hiển thị thông tin về họ và tên của người cấp, số Chứng minh nhân dân cũ (Trường hợp trước đó dùng Chứng minh nhân dân 9 số), do đó, người được cấp sẽ không còn phải mang theo bên người Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân bằng tờ giấy A4 rất dễ nhàu nát như hiện nay.

Ai phải đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip? - Ảnh 1.

Lợi ích của Căn cước công dân gắn chíp điện tử (nguồn: TTXVN)

Ai phải đi đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip?

Bộ Công an bắt đầu cấp thẻ Căn cước công dân mã vạch từ năm 2016, đến nay 16 tỉnh thành đã được trang bị cơ sở hạ tầng để cấp với trên 16 triệu thẻ. Các tỉnh, thành còn lại, công dân đang sử dụng CMND 09 số và 12 số. Tuy nhiên, khi dự án cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử được khởi động thực hiện đồng bộ trên cả nước thì không phải tất cả mọi công dân đều bắt buộc phải đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử.

Theo quy định, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú thì được cấp thẻ Căn cước công dân. Người bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì vẫn được cấp thẻ nhưng phải có người đại diện hợp pháp.

Trước mắt, chỉ những người chưa có CMND hoặc Căn cước công dân, công dân có CMND hoặc Căn cước công dân mã vạch đã hết hạn, hư hỏng, mất hoặc có thay đổi, điều chỉnh thông tin thì mới phải đổi sang Căn cước công dân gắn chip điện tử. Đối với các trường hợp CMND, Căn cước công dân mã vạch vẫn còn giá trị sử dụng và không thay đổi thông tin thì vẫn có thể tiếp tục sử dụng bình thường cho đến khi hết hạn theo Luật Căn cước công dân. Như vậy, trong thời gian tới sẽ có 04 loại giấy tờ chứng minh căn cước công dân cùng tồn tại song song là: CMND 09 số, CMND 12 số, Căn cước công dân mã vạch và Căn cước công dân gắn chip điện tử.

Thời hạn sử dụng của CMND là 15 năm kể từ ngày cấp còn đối với thẻ Căn cước công dân (cả mã vạch và gắn chip điện tử) sau lần cấp đầu tiên công dân phải đổi khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi và trên 60 tuổi công dân không phải đổi. Như vậy, đối với công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân mã vạch hoặc sau khi đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử mà đến thời hạn tuổi quy định thì cũng phải đi đổi thẻ Căn cước công dân gắn chip mới.

Việc đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử là hoàn toàn không ảnh hưởng đến các giấy tờ khác của công dân. Đối với công dân đã có Căn cước công dân mã vạch thì khi đổi sang Căn cước công dân gắn chip điện tử sẽ vẫn giữ nguyên số định danh của Căn cước công dân cũ. Còn đối với trường hợp công dân đổi từ CMND 09 số và 12 số sang Căn cước công dân gắn chip điện tử thì sẽ được cấp số căn cước mới cũng là số định danh cá nhân của công dân. Khi đó, cơ quan Công an nơi cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân sẽ đồng thời cấp giấy xác nhận về việc thay đổi số CMND để công dân thuận tiện trong việc giao dịch các giấy tờ khác có liên quan đến số CMND cũ.

Để cấp/đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử thì công dân cần những gì?

Người dân khi làm Căn cước công dân cần mang theo sổ hộ khẩu gia đình bản chính và Căn cước công dân mã vạch hoặc CMND 09 số và 12 số đang sử dụng đến cơ quan Công an cấp huyện, Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý Căn cước công dân của Bộ công an để được hướng dẫn làm thủ tục cấp Căn cước công dân theo quy định.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là để được cấp Căn cước công dân hợp lệ thì người dân phải bổ sung đầy đủ các trường thông tin bắt buộc trong sổ hộ khẩu nhất là thông tin về ngày, tháng, năm sinh, nguyên quán, dân tộc, quốc tịch... Vì vậy, người dân cần kiểm tra, đối chiếu thông tin trong sổ hộ khẩu, nếu chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, cần phải liên hệ cơ quan Công an nơi làm thủ tục đăng ký thường trú để điều chỉnh, bổ sung trước khi đi làm Căn cước công dân.

Hiện nay, đa số người dân ở tuổi trung niên và lớn tuổi trong sổ hộ khẩu thường không có thông tin ngày, tháng, năm sinh. Đối với các trường hợp này, người dân phải đem theo bản sao giấy khai sinh có ngày, tháng, năm sinh đến cơ quan Công an để bổ sung. Riêng trường hợp công dân có giấy khai sinh nhưng không có đầy đủ ngày, tháng, năm sinh hoặc từ trước đến nay không có giấy khai sinh, không xác định được ngày, tháng, năm sinh thì phải liên hệ Ủy ban nhân dân nơi đăng ký thường trú để được viên chức Tư pháp hộ tịch hướng dẫn thủ tục bổ sung ngày, tháng, năm sinh vào giấy khai sinh hoặc cấp giấy khai sinh theo quy định. Sau đó bổ sung đầy đủ vào sổ hộ khẩu để phục vụ việc cấp Căn cước công dân.

M.Lan
Cùng chuyên mục