Ăn đòn đau liên tục, vì sao Trung Quốc vẫn mong Trump đắc cử nhiệm kỳ mới?
Nhiều nhà quan sát chỉ ra rằng tăng cường các hành động chống Trung Quốc có thể là một biện pháp giúp Trump lấy lại niềm tin của cử tri và tăng cơ hội đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Các cuộc thăm dò mới đây cho thấy Trump đang lép vế trước ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden, do đó một động thái mang tính đột phá như leo thang căng thẳng với Bắc Kinh là hoàn toàn có thể.
William Reinsch, cố vấn cao cấp Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định: “Nếu Trump tái đắc cử, lập trường cứng rắn của Washington với Bắc Kinh vẫn còn ở đó. Sẽ có nhiều căng thẳng, nhiều mối đe dọa và thậm chí nhiều mức thuế trừng phạt hơn.”
“Nhưng tôi đã hỏi nhiều người Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc xem liệu người Trung Quốc muốn Trump hay Biden đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ mới. Tất cả họ đều có chung câu trả lời: họ nghĩ người Trung Quốc muốn Trump tái đắc cử” - ông William Reinsch nói thêm. “Bắc Kinh có thể thực sự thích khả năng Trump giành chiến thắng trước đối thủ Joe Biden của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tháng 11 tới… Người Trung Quốc tin rằng những thiệt hại mà Trump đang gây ra cho liên minh Phương Tây lớn hơn nhiều những tổn thất mà ông mang đến cho nền kinh tế Trung Quốc. Do đó, họ thấy ổn với khả năng Trump tái đắc cử”.
Kể từ khi mới nhậm chức Tổng thống hồi năm 2017, cách tiếp cận của Trump với vấn đề Triều Tiên đã đưa Mỹ dần xa rời những đồng minh thân cận nhất. Tổng thống sau đó cũng đe dọa tăng thuế với Liên minh Châu Âu và từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran đang được hỗ trợ bởi những đồng minh quen thuộc là Anh, Pháp và Đức.
Mới đây nhất, hồi tháng trước, Trump đã phê duyệt kế hoạch rút 9.500 nhân viên quân sự Mỹ khỏi Đức. Động thái được thực hiện trong bối cảnh Tổng thống chỉ trích Đức vi phạm các khoản thanh toán cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO - liên minh quân sự hùng mạnh bậc nhất hành tinh giữa 30 chính phủ Châu Âu và Bắc Mỹ.
“Khi Trump chọc giận và làm mất các đồng minh, đó là cơ hội mở ra cánh cửa cho Trung Quốc đến gần hơn với Châu Âu và những người bạn mới” - ông Reinsch phân tích.
Nhưng dù Bắc Kinh mong đợi Trump hay Biden đắc cử nhiệm kỳ mới, thì “mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng đang tiến đến chương tồi tệ nhất trong lịch sử”- nhận định của Giám đốc Eurasia Group tại Mỹ, ông Todd Mariano.
“Trong vài năm qua, tranh chấp giữa hai nước chủ yếu tập trung vào các vấn đề như mất cân bằng cán cân thương mại và sự cạnh tranh công nghệ. Nhưng hiện tại, chúng ta đang chứng kiến những bước chuyển biến mới khi cuộc chiến lan ra nhiều mặt trận hơn, từ xuất khẩu đến tài chính; với đa dạng vấn đề hơn, từ nguồn gốc của dịch Covid-19 đến dự luật an ninh mới tại Hồng Kông.”
Ngoài ra, theo ông Todd Mariano, Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc dẫn đầu cũng đang là vấn đề căng thẳng giữa hai quốc gia. Mỹ từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng Sáng kiến này như quân bài lan truyền sức ảnh hưởng toàn cầu thông qua các khoản cho vay để gieo rắc “bẫy nợ” tại nhiều quốc gia khác. Sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, nhiều nước nghèo Châu Phi đã phải khẩn thiết kêu gọi Trung Quốc xóa nợ, giãn nợ do nguy cơ vỡ nợ, mất khả năng trả nợ. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo từng chỉ trích thẳng thừng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gieo rắc những khoản nợ khổng lồ cho các nước trên toàn khu vực Châu Phi”.