Anh "cấm cửa" Huawei: Chính quyền Trump ăn mừng, Chính quyền Tập Cận Bình phản ứng cực "gắt"

15/07/2020 10:56 GMT+7
Chính quyền Tập Cận Bình đã phản ứng mạnh mẽ sau khi chính phủ Anh đưa ra quyết định cấm các nhà khai thác mạng Anh Quốc mua thiết bị viễn thông di động Huawei kể từ cuối năm nay.
Anh cấm Huawei: Chính quyền Trump ăn mừng nhưng Trung Quốc phản ứng cực "gắt" - Ảnh 1.

Anh cấm cửa Huawei là chiến thắng lớn của chính quyền Trump sau nhiều tháng ròng thuyết phục, gây áp lực

Hôm 14/7, Quốc hội Anh chính thức thông qua quyết định cấm các nhà mạng mua thiết bị mạng Huawei từ cuối năm nay, đồng thời yêu cầu các nhà mạng loại thiết bị Huawei khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông vào năm 2027.

Chỉ ít giờ sau khi Anh tuyên bố quyết định chính thức, Liu Xiaoming, đại sứ Trung Quốc tại Anh đã bày tỏ sự thất vọng và gọi đó là một sai lầm. Ông đồng thời đặt ra câu hỏi liệu Vương quốc Anh có đang tạo môi trường kinh doanh công bằng, không phân biệt đối xử với các công ty đa quốc gia trên toàn cầu hay không. 

Không thể phủ nhận, việc cấm cửa Huawei là đòn giáng nặng nề vào mối quan hệ vốn đã lạnh đi giữa London và Bắc Kinh trong thời gian qua. Trước đó, chính quyền Tập Cận Bình từng cảnh báo chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ phải “đối mặt với nhiều hậu quả” nếu chặn Huawei khỏi thị trường này.

Quyết định chính thức được Thủ tướng Boris Johnson phê duyệt quy định rằng các nhà mạng Anh sẽ không được phép đưa thêm bất kỳ linh kiện Huawei nào vào mạng 5G sau ngày 31/12/2020. Tất cả những thiết bị mạng được sản xuất bởi Huawei hiện dùng trong cơ sở hạ tầng mạng viễn thông Anh quốc sẽ bị gỡ bỏ, thay thế hoàn toàn từ nay đến năm 2027.

Phát biểu tại Quốc hội Anh, Bộ trưởng Văn hóa Oliver Dowden tuyên bố: “Đây không phải một quyết định dễ dàng, nhưng nó là quyết định đúng đắn với cơ sở mạng viễn thông của Anh quốc, để đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh kinh tế hiện tại cũng như trong dài hạn”. 

Dự kiến, các nhà mạng Anh sẽ tốn khoảng 2 tỷ Bảng cho lộ trình mua sắm, thay thế hoàn toàn thiết bị mạng Huawei như chính phủ yêu cầu. Đó là chưa kể nguy cơ chậm tiến độ phủ sóng 5G khoảng 2-3 năm mà các nhà mạng Anh như BT hay Vodafone cảnh báo.

Tuy vấp phải phản ứng dữ dội từ Trung Quốc, quyết định mới nhất của Anh lại được cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Trump, ông Robert C. O'Brien đặc biệt hoan nghênh. Ông O’Brien nhấn mạnh động thái này phản ánh sự đồng thuận quốc tế ngày càng tăng về mối đe dọa an ninh quốc gia từ Huawei.

Đây cũng được coi là một chiến thắng vang dội của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã gây áp lực buộc các đồng minh bao gồm Anh cấm cửa Huawei do hàng loạt rủi ro an ninh quốc gia. 

Hồi tháng 1/2020, nỗ lực của Washington tưởng như đã “đổ sông đổ bể” khi Anh cho phép Huawei tham gia cung cấp 35% thiết bị cơ sở hạ tầng mạng không cốt lõi của mạng lưới 5G như ăng-ten, trạm thu phát sóng….

Nhưng chính quyền Trump còn nhiều quân bài khác trong tay. Hồi tháng 5/2020, Mỹ cấm các nhà cung cấp sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ bán hàng cho Huawei. Điều này buộc các quan chức Anh phải đánh giá lại về tính bảo mật và tính bền vững của thiết bị mạng 5G Huawei. 

Trung tâm an ninh mạng quốc gia Vương quốc Anh GCHQ sau đó đã đưa ra hàng loạt cảnh báo an ninh mới, bao gồm một báo cáo cho thấy các lệnh trừng phạt mới của Mỹ với Huawei có thể sẽ buộc Huawei sử dụng các công nghệ không đáng tin cậy, gây ra những rủi ro đáng quan ngại về an ninh mạng. 

Hội đồng Bảo an Quốc gia Anh ngay lập tức họp để đánh giá, kết luận về việc liệu lệnh trừng phạt mới đây từ Mỹ có khiến Huawei phải sử dụng các công nghệ chứa rủi ro bảo mật 5G hay không. Và kết quả đã rõ, Anh cuối cùng quyết định đóng sập cánh cửa với Huawei. 

Các nhà quan sát dự báo quyết định của Anh nhiều khả năng sẽ tác động lớn đến các chính phủ khác vốn đang lưỡng lự về Huawei như Đức hay Canada. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục