Ao làng, hội làng và vị thế SEA Games của Việt Nam

Phan Huy Hà Thứ hai, ngày 18/04/2022 09:16 AM (GMT+7)
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ diễn ra tại Việt Nam. Cái nhìn xấu xí về một số kỳ SEA Games trước đây như "ao làng", liệu có lặp lại tại Việt Nam? Vị thế của chủ nhà Việt Nam tại Đại hội kỳ này như thế nào?
Bình luận 0

Có lẽ nhiều người còn nhớ khi một số kỳ SEA Games trước ở nước bạn, không chỉ các đoàn thể thao một số nước cùng khu vực tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á kêu ca, khiếu nại, phàn nàn chủ nhà, mà còn có cả truyền thông quốc tế cũng nhìn nhận, ví von SEA Games như "ao làng".

Đó là bởi có tình trạng khi quốc gia nào đăng cai, quốc gia đó thường đưa các môn thể thao địa phương, thể thao thế mạnh của quốc gia đó vào SEA Games để chiếm  huy chương, và cuối cùng là tiến tới thành tích cao về huy chương, đứng đầu bảng tổng sắp huy chương.

Điều này khiến cho thành tích tại SEA Games không phản ánh đúng thực chất sự phát triển của các nền thể thao. Trong khi đó, khi tham dự đấu trường Asiad, Olympics, thành tích chung của các đoàn thể thao ở khu vực ASEAN khá thấp.  

Gần đây nhất, SEA Games 30 tại Philipinnes năm 2019 xác lập kỷ lục lịch sử các kỳ Đại hội với việc nước chủ nhà đưa vào tới 56 môn thi đấu, với 529 bộ hy chương, cao nhất trong 31 kỳ SEA Games từ trước tới nay. Trong đó, có việc chủ nhà chọn nhiều môn sở trường, đưa vào nhiều môn lạ mang tính "địa phương", bỏ nhiều nội dung Olympics, Asiad khiến sân chơi này bị chỉ trích nặng nề và một lần nữa lại bị truyền thông quốc tế nhìn với con mắt dè bỉu: "Ao làng". Chưa kể, vì thành tích của mình mà chủ nhà còn bị khiếu nại rất nhiều vì công tác trọng tài.

Xa hơn, tại SEA Games 2001 trên đất Malaysia, ông Hoàng Vĩnh Giang - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam lúc đó rất bức xúc, thất vọng bởi những chiêu trò xấu của nước chủ nhà  khiến nhiều vận động viên Việt Nam thua trong tức tưởi.

Hoặc khá bất ngờ khi năm 2011, kỳ SEA Games 26 được tổ chức trên đất Indonesia, chủ nhà đã đưa cả môn đánh bài tây mà  như người Việt Nam vẫn gọi là "đánh tá lả" vào trong các nội dung thi đấu. Và không lạ khi nước chủ nhà đã chiếm nhiều  huy chương ở kỳ đại hội đó. 

Ao làng, hội làng và vị thế SEA Games của Việt Nam - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Chu Ngọc Anh tại sự kiện phát động Lễ đếm ngược đến SEA Games. Ảnh: DV

Nhắc lại thế để thấy, "ao làng" như một đặc tính của SEA Games. Trong đó có thể kể ra: Chạy đua thành tích, tổ chức nhiều sạn, thi đấu không công bằng, nhiều chiêu trò gian lận, trọng tài không công minh…

Vậy SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam năm nay có thoát khỏi cảnh "ao làng"?

Tại cuộc họp của Bộ trưởng thể thao 11 nước ASEAN lần thứ 6 (AMMS) diễn ra tại Singapore năm 2020, các bộ trưởng đã ra tuyên bố chung: "Hỗ trợ đưa nhiều hơn các môn thể thao của Asian Games (Asiad) và Olympic Games (Olympic) vào các kỳ SEA Games với mục tiêu cuối cùng là lựa chọn các môn thể thao tại SEA Games phù hợp gần nhất với các môn thể thao của Asian Games và Olympic Games".

Tuyên bố nhấn mạnh: "Duy trì cam kết đấu trường thể thao SEA Games là một sân chơi hội tụ sự tinh hoa xuất sắc của thể thao Đông Nam Á, xây dựng các mối liên hệ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu nhân dân giữa các quốc gia thành viên khu vực Đông Nam Á". 

Và đến giờ phút này, Việt Nam có thể ngẩng cao đầu tuyên bố: SEA Games 31 sẽ không còn là "ao làng". Sẽ là một kỳ đại hội hội tụ sự tinh hoa xuất sắc của thể thao Đông Nam Á. SEA Games 31 là nơi kết nối, giao lưu, đoàn kết vì một khu vực hoà bình, ổn định và cùng phát triển.

Trong quá khứ, sau mỗi kỳ SEA Games, nước chủ nhà thường bị kêu ca đã lạm dụng các môn thuộc diện "ao làng" để gom huy chương. Nhưng SEA Games 31 tại Việt Nam thì khác.

Ở SEA Games 31, Việt Nam sẵn sàng là nơi hội tụ tinh hoa thể thao xuất sắc của khu vực, bằng việc tổ chức đầy đủ các môn và nội dung thế mạnh của đối thủ. "Các nước trong khu vực đều đánh giá rất cao 40 môn thi đấu SEA Games 31 mà chủ nhà Việt Nam đã công bố", Trưởng đoàn thể thao Singapore nhận xét.  

Việt Nam sẽ tự tin cạnh tranh bằng vị thế của chính mình mà không cần lạm dụng lợi thế của nước chủ nhà. Gần hai thập kỷ trôi qua kể từ lần đầu tiên đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á (2003), Việt Nam đã có sự thăng tiến khi luôn nằm trong top 3 của đấu trường này.

Theo Ban Tổ chức, SEA Games 31 là sân chơi của khu vực Đông Nam Á, là nơi quảng bá văn hoá của mỗi quốc gia và cũng là nơi tổng duyệt của các quốc gia để có những vận động viên tốt tham gia các kỳ Á vận hội và Olympic. Ngày khai mạc SEA Games 31 đã cận kề. Việt Nam đã sẵn sàng chào đón 11 đoàn thể thao của 11 quốc gia Đông Nam Á. Một SEA Games thúc đẩy tình hữu nghị, mối quan hệ giữa các nước khối ASEAN, giúp các nước cùng nhau tạo mối đoàn kết vì những mục đích chung: Hoà bình, ổn định và cùng phát triển.

Nhắc đến ao làng, tôi lại nhớ đến hội làng. Hội làng là hồn cốt văn hóa Việt Nam. Hội làng là hình ảnh thu nhỏ bộ mặt làng xã người Việt; là sản phẩm kết tinh từ tâm hồn, trí tuệ, tài năng, cốt cách và đạo lý của bao thế hệ. Mỗi hội làng có những sắc thái và mang những ý nghĩa riêng, nhưng nó hòa chung vào "dòng chảy lễ hội" của  đất nước tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp, tạo nên nét đẹp của hồn cốt văn hoá Việt Nam. Mà ao làng cũng có giá trị của ao làng. Chỉ xấu là những chiêu trò thể hiện sự thấp kém nhưng muốn thành tích cao. Vậy hãy đừng vì thành tích mà bỏ mất cái hồn cốt của văn hoá, cái giá trị truyền thống cao đẹp của dân tộc.


.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem