Ba khu đất vàng Sài Gòn bị đề nghị thu hồi đang trong 'tay' ai?

24/03/2020 20:10 GMT+7
Ngoài khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng đã được thu giữ, thì hai khu đất còn lại đã được xây dựng các công trình cao tầng đa chức năng và cổ phần, vốn góp được bán cho bên thứ ba nắm quyền khai thác, sử dụng.

Ba khu đất vàng Sài Gòn bị đề nghị thu hồi đang trong 'tay' ai? - Ảnh 1.

Địa chỉ 7-9 Tôn Đức Thắng đến nay vẫn là bãi đất trống. Ảnh: XUÂN TIÊN

Đề nghị thu hồi

VKS Quân sự Trung ương vừa hoàn tất Cáo trạng truy tố ông Nguyễn Văn Hiến (cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tư lệnh Quân chủng Hải quân) và các bị can liên quan đến sai phạm đất đai xảy ra tại ba khu đất trên đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).

Cáo trạng xác định ông Hiến đã không kiểm tra, tin tưởng vào cấp dưới nên đã ký phê duyệt các văn bản để đưa ba khu đất Quốc phòng (số 2; số 7-9 và 9-11 tổng cộng hơn 7.300 m2 đường Tôn Đức Thắng) vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước hơn 939 tỷ đồng.

Để đảm bảo việc khắc phục hậu quả vụ án, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng yêu cầu UBND TP HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường không làm thủ tục phát mại tài sản, mua bán chuyển nhượng, tặng cho đối với ba khu đất quốc phòng này.

Đồng thời, VKS Quân sự Trung ương kiến nghị thu hồi cả ba khu đất vàng này, trên cơ sở bảo đảm lợi ích hợp pháp các bên.

Tất nhiên, đây mới chỉ là đề nghị của cơ quan kiểm sát, còn quyết định cuối cùng thuộc về Toà án. Dù vậy, không như khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng (đã bị thu giữ), việc thu hồi hai khu đất còn lại (nếu có phán quyết) chắc hẳn sẽ không dễ dàng, bởi theo Cáo trạng, các khu đất số 2 và 9-11 Tôn Đức Thắng đã được xây dựng các công trình cao tầng đa chức năng và cổ phần, vốn góp được bán cho bên thứ ba nắm quyền khai thác, sử dụng.

Vậy thì bên thứ ba là ai?

Ba khu đất vàng Sài Gòn bị đề nghị thu hồi đang trong 'tay' ai? - Ảnh 2.

Toà nhà Techcombank Sài Gòn tại 9-11 Tôn Đức Thắng. Ảnh: HUY NGỌC

9-11 Tôn Đức Thắng

Cáo trạng cho biết lô đất số 9-11 Tôn Đức Thắng có diện tích 2.087 m2 được Bộ Quốc phòng giao cho Công ty Hải Thành quản lý. Tháng 10/2006, Công ty Hải Thành ký biên bản ghi nhớ với Công ty Mai Anh thực hiện dự án xây dựng cao ốc đa chức năng tại đây với thời hạn 49 năm. Để thực hiện dự án, hai bên ký hợp đồng liên doanh, thành lập Công ty TNHH Mai Thành, vốn điều lệ 15 triệu USD (Công ty Hải Thành 10% và Công ty Mai Anh góp 90%).

Công ty Mai Anh - bên đầu tiên "vào" dự án 9-11 Tôn Đức Thắng có tên đầy đủ là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mai Anh, được thành lập từ năm 2001, đóng trụ sở tại số 2 Thi Sách, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Mai Anh có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, là thành viên của Hoa Lâm Group. Vai trò then chốt của tập đoàn địa ốc đình đám tại dự án 9-11 Tôn Đức Thắng không phải đợi tới cáo trạng liên quan tới cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, mà giới địa ốc Sài Gòn đã rỉ tai nhau từ lâu.

Dù vậy, có lẽ không ít người sẽ bất ngờ khi biết vào thời điểm thành lập doanh nghiệp dự án Công ty TNHH Dịch vụ Mai Thành vào tháng 5/2018 (vốn 1.050 tỷ đồng), thì Mai Anh chỉ góp 26,37%, Hải Thành góp 23,63%; 50% còn lại được sở hữu bởi một nhà đầu tư chưa mấy tên tuổi vào thời điểm đó - CTCP Đầu tư TCO Việt Nam.

Hay nói cách khác, dù Mai Anh được biết đến nhiều hơn với vai trò là bên tích cực nhất để "lấy" dự án, thì TCO Việt Nam mới là nhân vật đóng vai trò chủ đạo tại liên doanh Mai Thành.

Mai Anh thì đã rõ, vậy thì TCO là ai, hay đặt vấn đề chính xác hơn, TCO là của ai? Câu trả lời hãy còn phải chờ phân tích sâu hơn. Song có thể khẳng định để "vào" và được Hoa Lâm Group "nhường" một nửa dự án trên đất vàng 9-11 Tôn Đức Thắng, đứng sau TCO phải là một đại gia có "số má".

Dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện CTCP Đầu tư TCO Việt Nam thành lập năm 2009, đã tham gia vào một số dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM, đáng kể nhất là hợp tác với Thảo Điền Invest triển khai dự án M-One Sài Gòn quy mô 13.904 m2 tại Bế Văn Cấm, Quận 7, TP.HCM. Tháng 6/2019, Công ty TNHH MTV Tư vấn và Kinh doanh BĐS TCO - công ty con của Đầu tư TCO đã nhận chuyển nhượng 34,6ha tại Khu đô thị Gia Lâm với tổng mức đầu tư của dự án lên tới 11.287 tỷ đồng...

Ở một thương vụ gây chú ý không kém, Công ty TNHH Phát triển dự án Techcom Developer trước khi sáp nhập vào Đầu tư TCO từng cùng một pháp nhân có liên quan là Công ty Quản lý quỹ Kỹ Thương (Techcom Capital) năm 2016 tham gia góp vốn với Vietnam Airlines để hợp tác chuyển đổi Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) thành hãng hàng không SkyViet. Tuy nhiên "giấc mơ bay" của nhóm này sau đó bất thành.

Trở lại với dự án 9-11 Tôn Đức Thắng, không chỉ góp vốn vào doanh nghiệp dự án, TCO Việt Nam và Thương mại Mai Anh ngày 16/12/2009 đã ký thoả thuận hợp tác đầu tư Dự án Cao ốc văn phòng, thương mại, dịch vụ tại số 9-11 Tôn Đức Thắng với tổng giá trị gần 2.000 tỷ đồng.

Dự án có diện tích xây dựng 1.917 m2, quy mô 34 tầng nổi, 2 tầng hầm khởi công tháng 4/2011 và hoàn thành 27 tháng sau đó (tháng 7/2013), được thu xếp bởi cả VietBank Chi nhánh TP.HCM lẫn Techcombank Chi nhánh Sài Gòn.

Tháng 2/2018, TCO Việt Nam chuyển nhượng hết cổ phần trong Công ty TNHH Dịch vụ Mai Thành cho bà Nguyễn Thị Thu Hà. Dù vậy đây nhiều khả năng chỉ là nghiệp vụ tái cơ cấu sở hữu, bởi nữ doanh nhân thường trú tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội có không ít liên hệ tới nhóm chủ của TCO Việt Nam. Đơn cử, vợ chồng bà Thu Hà cùng TCO Việt Nam suốt nhiều năm qua miệt mài mua một khối lượng lớn các bất động sản của Vingroup - đối tác lớn nhất của Techcombank lẫn Thảo Điền Invest.

Hiện nay, toà nhà 9-11 Tôn Đức Thắng đang là trụ sở của Techcombank Sài Gòn.

Ba khu đất vàng Sài Gòn bị đề nghị thu hồi đang trong 'tay' ai? - Ảnh 3.

Toà nhà VPBank Sài Gòn tại số 2 Tôn Đức Thắng. Ảnh: HUY NGỌC

Số 2 Tôn Đức Thắng

Tại khu đất số 2 Tôn Đức Thắng có diện tích 1.215 m2, Cáo trạng thể hiện tháng 7/2006, ông Nguyễn Văn Hiến ký quyết định giao cho Công ty Hải Thành sử dụng vào mục đích hợp tác liên doanh với Công ty Cảnh Hưng. Sau đó, Công ty TNHH Cảnh Hưng Hải Thành được thành lập với vốn điều lệ 15 triệu USD (Công ty Hải Thành 10%, Công ty Cảnh Hưng 90%).

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, doanh nghiệp dự án Công ty TNHH Cảnh Hưng - Hải Thành được thành lập vào tháng 8/2007, với 12,71% phần vốn thuộc về thành viên Quân chủng Hải quân, trong khi doanh nghiệp tư nhân kín tiếng của Chủ tịch Phạm Duy Tân chi phối tới 87,29%.

Dự án không lâu sau có dấu hiệu gặp khó về nguồn vốn. Liên doanh Cảnh Hưng - Hải Thành tới cuối năm 2010 thậm chí đã đại chúng hoá công ty và xuất hiện trên sàn OTC.

Chỉ ít tháng sau, dự án tháng 4/2011 nhanh chóng tìm được nhà đầu tư mới, khi nhóm cổ đông sáng lập bán 80% cổ phần Cảnh Hưng - Hải Thành cho CTCP Đầu tư Châu Thổ (Delta Corp). Tới tháng 8/2011, từ 103 cổ đông, Cảnh Hưng - Hải Thành chỉ còn 5 cổ đông, gồm Đầu tư Châu Thổ (80%), Hải Thành giữ nguyên 12,71%, Cảnh Hưng co về còn 4,17%, ông Phạm Duy Tân nắm 1,02% và bà Nguyễn Thu Hồng sở hữu 2,1%. Dự án sau đó được giới thiệu với tên gọi thương mại Delta Riverside Tower.

Châu Thổ, nên biết, mang đậm hình bóng của giới chủ VPBank và MIK Group, từng sở hữu dự án Tổ hợp Du lịch Thung lũng Đại Dương có diện tích lên tới 986ha tại TP. Phan Thiết, Bình Thuận, trước khi bán lại cho Novaland tháng 10/2017.

Trở lại với liên doanh Cảnh Hưng - Hải Thành, tới tháng 4/2012, Đầu tư Châu Thổ rút hết cổ phần, nhượng lại toàn bộ phần vốn cho Công ty TNHH Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam, trong một thương vụ mang tính chất nội bộ, khi hai pháp nhân này trên thực tế là cùng một "chủ". Cơ cấu sở hữu này duy trì cho đến nay.

Sau khi ổn định cơ cấu sở hữu, dự án với dòng vốn từ VPBank nhanh chóng được triển khai trên phần đất có diện tích 2.190 m2, quy mô 27 tầng cao và 4 tầng hầm với nhà thầu uy tín Coteccons. Dự án trước khi hoàn thành một lần nữa được đổi tên thành Waterfront Saigon.

Hiện nay, toà nhà số 2 Tôn Đức Thắng còn được biết tới là trụ sở VPBank Sài Gòn.

Theo Nhà Đầu tư
Cùng chuyên mục