Bà Mạnh Vãn Châu về nước, căng thẳng Mỹ - Trung hạ nhiệt hay càng leo thang?
CFO Mạnh Vãn Châu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã trở về nước tối 25/9 (giờ Trung Quốc) sau hơn 1.000 ngày bị quản thúc tại Canada nhờ đạt được thỏa thuận hoãn tuy tố với các công tố viên Mỹ.
Cụ thể, một thẩm phán ở Brooklyn, New York, Mỹ đã chấp nhận hoãn truy tố sau khi bà Mạnh dù không nhận tội nhưng thừa nhận “trách nhiệm về vai trò chính của bản thân” và "cố ý đưa ra các tuyên bố sai" liên quan đến một “âm mưu lừa đảo một tổ chức tài chính toàn cầu” để không bị dẫn độ về Mỹ. Thỏa thuận này sẽ chấm dứt vào ngày 1/12/2022. Nếu từ nay tới thời điểm đó, bà Mạnh Vãn Châu không có thêm hành vi phạm tội hoặc hành vi có nguy cơ bị truy tố nào, các cáo trạng sẽ bị hủy bỏ.
Việc bà Mạnh Vãn Châu đặt chân về nước đã chấm dứt một xung đột kéo dài 3 năm xoay quanh 3 quốc gia Mỹ - Trung Quốc và Canada. Ngay sau khi Mỹ bỏ yêu cầu dẫn độ đối với bà Mạnh Vãn Châu, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo rằng hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig - những người đã bị giam giữ tại Trung Quốc ngay sau khi bà Mạnh bị bắt tại sân bay quốc tế Vancouver hồi năm 2018 - cũng sẽ được trả tự do và trở về nước.
Ông Huang Jing, giáo sư tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh nhận định: “Đây là một vụ việc có nhiều yếu tố chính trị và lý do nó được giải quyết là sự đạt thành thỏa hiệp chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, kết quả của vụ việc đương nhiên sẽ có tác động tích cực đến mối quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Canada”.
Theo ông Huang, việc đạt thành thỏa thuận đưa bà Mạnh Vãn Châu về nước cho thấy Mỹ và Trung Quốc có dư địa để hợp tác bất chấp những tranh chấp gay gắt trong vài năm gần đây. “Nó phản ánh một thực tế rằng thay vì đối đầu, hai quốc gia có thể thảo luận với nhau về các xung đột và hành vi “ăn miếng trả miếng”.”
Song Luzheng, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) cũng đồng quan điểm khi nhận định rằng việc bà Mạnh Vãn Châu trở về nước đã loại bỏ một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong quan hệ Mỹ - Trung, mở đường cho sự hợp tác hơn nữa giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, bao gồm cả khả năng dỡ bỏ thuế quan trừng phạt được khởi xướng bởi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018.
Các hiệp hội kinh doanh tại Mỹ từng nhiều lần kêu gọi chính quyền ông Biden dỡ bỏ thuế quan trừng phạt với Trung Quốc - mức thuế mà họ cho rằng gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Mỹ. Mới đây nhất, hôm 5/8, hơn 30 tổ chức doanh nghiệp bao gồm Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội chip bán dẫn, đại diện các nhà bán lẻ, trang trại và nhà sản xuất đã cùng chung tiếng nói yêu cầu Tổng thống Biden dỡ bỏ thuế quan áp lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc và khởi động lại tiến trình đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Thông điệp nêu rõ: “Một chương trình nghị sự thương mại lấy người lao động làm trọng tâm thì chính phủ cần tính đến các thiệt hại mà thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc gây ra cho chính người lao động Mỹ. Cần loại bỏ các mức thuế quan gây tổn hại đến lợi ích của người Mỹ như vậy”.
Hồi tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng lên tiếng thừa nhận trên tờ New York Times rằng thuế quan trừng phạt mà ông Trump áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc đang làm tổn thương chính người tiêu dùng Mỹ. Bà này cho hay kể từ khi ông Trump áp thuế khoảng 20% với hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ đã thu về 100 tỷ USD thuế. Hầu hết số thuế này được trả bởi chính người tiêu dùng Mỹ khi các doanh nghiệp nhập khẩu nâng giá hàng hóa để bù đắp chi phí tăng do thuế quan.
Ông Song Luzheng cho rằng cánh cửa mở ra các cuộc đàm phán dỡ bỏ toàn bộ hoặc một phần thuế quan sẽ sớm được mở lại, nhất là khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 của 20 nền kinh tế tiên tiến hàng đầu sắp khởi động vào cuối tháng 10 tới.
Nhưng một số nhà quan sát dự đoán căng thẳng Mỹ Trung trong các lĩnh vực khác như công nghệ và viễn thông 5G có thể tiếp tục kéo dài, thậm chí leo thang. Chính ông Song Luzheng cũng cho rằng: “Có ba xung đột chính trong quan hệ Mỹ - Trung: vụ việc bà Mạnh Vãn Châu, thuế quan trừng phạt và 5G. Mặc dù thuế quan có khả năng được dỡ bỏ nhưng Mỹ không có khả năng thỏa hiệp về các vấn đề như 5G hay chip bán dẫn”.