Căng thẳng Mỹ - Trung cắt đứt 96% dòng vốn đầu tư công nghệ song phương
Một báo cáo gần đây của Bain & Company công bố hôm 20/9 chỉ ra rằng đầu tư trực tiếp song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm 75% trong giai đoạn 2016-2020, tức giảm từ mức 62 tỷ USD năm 2016 xuống chỉ còn 16 tỷ USD vào năm 2020. Riêng lĩnh vực công nghệ chứng kiến mức giảm lên tới 96%.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Mỹ giảm từ mức 48,5 tỷ USD năm 2016 xuống chỉ còn 7,2 tỷ USD trong năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Trung Quốc giảm mạnh 35% trong cùng kỳ xuống 8,69 tỷ USD. Dữ liệu chỉ ra các lĩnh vực có dòng đầu tư sụt giảm mạnh nhất bao gồm công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe.
Anne Hoecker, đối tác của Bain & Co., người đứng đầu nghiên cứu này cho hay: “Môi trường kinh doanh của các công ty Trung Quốc và Mỹ đã trở nên bất ổn hơn một chút, và (Trung Quốc) hiện có xu hướng chỉ tập trung vào các khoản đầu tư tại châu Âu và châu Phi”.
Theo bà Anne Hoecker, một số nền kinh tế lớn đang đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ và sự độc lập trong chuỗi cung ứng công nghệ. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 vừa qua, mà cuộc khủng hoảng chip là một minh chứng, đã trực tiếp thúc đẩy xu hướng tách rời chuỗi cung ứng.
Báo cáo của Bain & Co. về hiện tượng sụt giảm đầu tư song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được công bố vào thời điểm không lâu sau cuộc điện đàm thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa hai nhà lãnh đạo được thực hiện vào thời điểm căng thẳng song phương tiếp tục leo thang vì hàng loạt vấn đề, từ các cáo buộc về nguồn gốc đại dịch Covid-19 và cách Bắc Kinh xử lý đại dịch cũng như hành vi thương mại không lành mạnh… Bất chấp cuộc điện đàm và các nỗ lực đàm phán song phương trong nhiều tháng qua, căng thẳng Mỹ - Trung ít có dấu hiệu cải thiện kể từ khi Tổng thống Biden tiến vào Nhà Trắng hồi tháng 1 năm nay.
Abby Li, giám đốc nghiên cứu của CGCC nhận định: “Sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, thị trường chắc chắn đã lạc quan về chiến lược Trung Quốc dễ đoán hơn từ chính quyền hiện tại”. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng đó, trong những tháng qua, chính quyền ông Biden đã ban hành hàng loạt lệnh hành pháp cứng rắn với Trung Quốc. Chẳng hạn, tiếp nối danh sách đen của chính quyền Trump, ông Biden cũng đưa thêm hàng chục thực thể Trung Quốc khác vào danh sách này kèm theo hạn chế thương mại. Một lệnh hành pháp khác được ban hành vào tháng trước bởi Washington cũng cấm các nhà đầu tư Mỹ đổ tiền vào 59 công ty công nghệ giám sát và quốc phòng Trung Quốc.
Theo một phân tích của Nikkei Asian Review, kể từ năm 2018 đến tháng 4/2021, Mỹ đã đưa tổng cộng 168 công ty Trung Quốc (chưa tính Huawei và hàng chục công ty con của nó) vào danh sách đen. Hầu hết các công ty này liên quan đến lĩnh vực công nghệ.
Việc Mỹ cấm vận Huawei đã thúc đẩy Trung Quốc nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng chip bán dẫn hoàn thiện trong nước, từ thiết kế chip và thiết bị sản xuất chip cho đến khâu sản xuất và đúc chip. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu hiện tại cũng tạo thêm động lực cho Bắc Kinh rót tiền tài trợ cho ngành chip nội địa do cả hai lý do kinh tế và an ninh quốc gia.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị song phương không có dấu hiệu hạ nhiệt, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Apple, Google, Amazon và Microsoft đều đã yêu cầu các nhà cung cấp, đối tác đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc.