Bắc Kạn: Nỗ lực bình ổn thị trường cuối năm
Những ngày cuối năm, thị trường tại Bắc Kạn bắt đầu sôi động, nhiều mặt hàng như gạo, các loại thịt, rau củ, thực phẩm chế biến, nông lâm sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát… bắt đầu có dấu hiệu tặng giá nhẹ. Trước tình hình đó, tỉnh Bắc Kạn đã lên phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán 2020.
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn tỉnh này, các mặt hàng thiết yếu hiện đang có xu hướng tăng, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng phục vụ Tết trong tỉnh Bắc Kạn còn nhiều hạn chế về vốn kinh doanh nên không thể để hàng tồn kho, dự trữ hàng quá lâu buộc phải tìm mọi cách đẩy mạnh bán hàng, tăng vòng quay vốn, hàng hóa dự trữ cầm chừng, do đó nguồn dự trữ hàng có nguy cơ mất cần đối cung - cầu.
Dự báo nhu cầu mua sắm dịp Tết Canh Tý 2020 của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn sẽ tăng từ 10-15% do thu nhập của người dân tăng lên với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Dự đoán nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 2450/QĐ-UBND, ngày 6/12/2019 về việc ban hành Phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng và biện pháp bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Phương án nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định các nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu (đặc biệt là nguồn cung thực phẩm thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi). Đảm bảo nguồn hàng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số với giá cả ổn định, không để tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Theo đó, tỉnh Bắc Kạn đã lên kế hoạch chuẩn bị và cung ứng nguồn hàng. Các siêu thị, các nhà phân phối, đại lý bán lẻ hàng tạp hóa, thực phẩm… dự kiến chuẩn bị và dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong dịp cuối năm, ước giá trị dự trữ cho 3 nhóm hàng là 19 tỷ đồng.
Cụ thể: Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm như cá hộp, thịt hộp khoảng 1000 thùng; trứng khoảng 20.000 quả; cá khô khoảng 1 tấn; bánh kẹo, mứt, nước ngọt… khoảng 5000 thùng; thực phẩm tươi sống như thịt lợn, gà sạch, thịt bò Mỹ… khoảng 3 tấn; nước đóng chai khoảng 10.000 chai; xăng khoảng 4000m3; sản lượng điện thương phẩm trong tháng Tết khoảng 17 triệu Kwh (doanh thu ước đạt 31,8 tỷ đồng)
Đối với việc bình ổn thị trường, theo đánh giá, hiện nay siêu thị VinMark có khả năng dự trữ khoảng 3 tấn thịt các loại, cửa hàng thủy hải sản Tiến Thu (TP.Bắc Kạn) có khả năng dự trữ khoảng 2 tấn thịt chế biến, hải sản các loại; theo phương án, tình huống khẩn cấp có thể chuyển sang dự trữ thịt lợn cấp đông, đồng thời tăng nguồn cung từ các địa phương khác.
Thực hiện phương án gồm các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp: Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp, Sở Y tế, Ngân hàng chính sách, Cục quản lý thị trường, Sở thông tin Truyền thông, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh, yêu cầu có báo cáo cụ thể.
Tại thị trường TP.Bắc Kạn, Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết, mặc dù nhu cầu hàng hóa từ nay đến cuối năm tăng nhưng hiện nay, nguồn cung các mặt hàng từ sản xuất trong nước và nhập khẩu rất dồi dào; nhờ có phương án, kế hoạch cụ thể trong việc đảm bảo nguồn hàng, bình ổn giá nên dù các mặt hàng nông sản có chiều hướng tăng, ví dụ như miến, măng, hạt bí, nấm hương... nhưng mức tăng không lớn, những mặt hàng khác như xăng, dầu, gas cơ bản ổn định. "Có thể nói, hiện không có biến động giá bất thường ở hầu hết các nhóm hàng thiết yếu", bà Liễu cho biết thêm.