Bắc Kinh "búng tay", vốn hóa Tencent - Alibaba bay hơi tổng cộng 330 tỷ USD trong 8 tháng

02/09/2021 16:25 GMT+7
BXH vốn hóa thị trường các công ty Đông Á do Nikkei theo dõi đang chứng kiến nhiều biến động về vị trí sau chiến dịch siết chặt hàng loạt lĩnh vực của chính phủ Trung Quốc.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay tổng vốn hóa thị trường của hai gã khổng lồ công nghệ lớn nhất Trung Quốc là Tencent và Alibaba đã bốc hơi 330 tỷ USD kể từ cuối năm ngoái đến nay trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt các quy định. Ngược lại, các công ty chip bán dẫn có xu hướng ghi nhận vốn hóa tăng nhanh do nhu cầu chip toàn cầu tăng lên trong cuộc khủng hoảng thiếu chip hiện tại.

Nikkei xếp hạng các công ty Đông Á theo giá trị vốn hóa thị trường dựa trên dữ liệu từ QUICK-FactSet, cho thấy giá trị của các công ty CNTT Trung Quốc đã giảm mạnh trong giai đoạn từ cuối năm 2020 đến ngày 30/8/2021 do Bắc Kinh siết chặt các quy định chống độc quyền, bảo mật dữ liệu và niêm yết nước ngoài. 

Tính đến hết phiên giao dịch 30/8, vốn hóa thị trường Tencent Holdings đạt 574,7 tỷ USD, giảm khoảng 20% so với thời điểm cuối năm 2020 và giảm gần 40% so với mức đỉnh 7 tháng trước nhưng vẫn duy trì vị thế doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất khu vực Đông Á. 

Cổ phiếu Alibaba cũng giảm mạnh, đưa giá trị thị trường gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc giảm xuống chỉ còn 440,6 tỷ USD, rơi xuống vị trí thứ hai trong BXH vốn hóa của Nikkei. 

Bắc Kinh "búng tay", vốn hóa Tencent - Alibaba bay hơi tổng cộng 330 tỷ USD trong 8 tháng - Ảnh 1.

Bảng xếp hạng vốn hóa thị trường của các công ty Đông Á do Nikkei theo dõi đang chứng kiến nhiều biến động về vị trí sau chiến dịch siết chặt hàng loạt lĩnh vực của chính phủ Trung Quốc (Ảnh: AP)

Đáng chú ý, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC vươn lên vị trí thứ hai với vốn hóa thị trường 564,4 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cuối năm 2020. Có thời điểm, TSMC đã vượt mặt cả Tencent để trở thành công ty lớn nhất thị trường Đông Á.

Xếp ngay vị trí thứ 4 là đế chế Samsung Electronics của Hàn Quốc với vốn hóa 430,8 tỷ USD, giảm 14% so với thời điểm cuối năm 2020.

Ở vị trí thứ 5, nhà sản xuất rượu xa xỉ Kweichow Moutai cũng chứng kiến vốn hóa thị trường giảm 20% so với thời điểm cuối năm ngoái khi bắt đầu chịu tác động từ việc siết chặt quy định trong hàng loạt lĩnh vực của Bắc Kinh.

Các công ty liên quan đến nền kinh tế xanh, mục tiêu phát triển bền vững mà chính phủ Trung Quốc theo đuổi, chẳng hạn lĩnh vực sản xuất pin xe điện, cũng ghi nhận mức vốn hóa tăng trưởng lạc quan. Chẳng hạn, công ty sản xuất pin ô tô điện lớn nhất thế giới Contemporary Amperex Technology Ltd. (CATL) và nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc BYD do Tesla hậu thuẫn đã lần lượt vươn lên vị trí thứ 9 và 24 trong bảng xếp hạng mới nhất. Các công ty xe điện và linh kiện xe điện tại Trung Quốc đang nhận được sự hỗ trợ lớn của chính phủ khi Bắc Kinh hướng đến mục tiêu trung hòa carbon phát thải vào năm 2060.

Tính theo quốc gia và vùng lãnh thổ, Trung Quốc chiếm tới hơn 50% vị trí trong bảng xếp hạng 200 công ty vốn hóa thị trường lớn nhất khu vực Đông Á của Nikkei, tăng từ con số 0% trong bảng xếp hạng năm 1990. Sự gia tăng thị phần của Trung Quốc được cho là một phần nhờ vào sự bùng nổ của các công ty khởi nghiệp công nghệ ở thị trường tỷ dân, chẳng hạn nền tảng giao đồ ăn Meituan.

So với bảng xếp hạng vốn hóa thị trường cách đây một thập kỷ, các công ty Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí cao. Nhưng nếu nhìn cụ thể vào lĩnh vực kinh doanh thống trị thị trường, Nikkei chỉ ra rằng đã có những thay đổi đáng chú ý. Trong bảng xếp hạng vào cuối năm 2010 của Nikkei, các ông lớn thống trị bao gồm đế chế năng lượng PetroChina, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC),  Ngân hàng Công thương Trung Quốc và các tổ chức tài chính khác.

Ngược lại với Trung Quốc, Hàn Quốc lại ghi nhận thị phần trong bảng xếp hạng vốn hóa Nikkei giảm từ 10% hồi năm 2010 xuống 6% trong năm 2021 do giá trị của các doanh nghiệp kinh doanh thông thường giảm, bao gồm cả nhà sản xuất thép POSCO và nhà sản xuất phụ tùng ô tô Hyundai Mobis. Mức giảm này làm mờ đi sự gia tăng vốn hóa nhanh chóng của các công ty công nghệ thông tin Hàn Quốc như Naver (chủ sở hữu Line) và Kakao (chủ sở hữu KakaoTalk).

Nhật Bản cũng ghi nhận thị phần trong bảng xếp hạng 200 công ty vốn hóa lớn nhất Đông Á giảm từ 38% xuống chỉ còn 27% trong thập kỷ qua năm qua. Thời điểm những năm 1990 là khi  nền kinh tế “bong bóng” của Nhật Bản đang ở thời kỳ đỉnh cao, các công ty Nhật Bản, dẫn đầu là các ngân hàng thương mại lớn, chiếm hơn 90% trong số 200 doanh nghiệp vốn hóa hàng đầu của Nikkei. Nhưng cho đến nay, Toyota Motor là doanh nghiệp duy nhất của Nhật Bản còn trụ lại top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất Đông Á trong năm 2021.


NTTD
Cùng chuyên mục