Bắc Kinh dọa trả đũa nếu Đức "cấm cửa" Huawei khỏi thị trường 5G
“Nếu Berlin quyết định “cấm cửa” Huawei tại thị trường Đức, nước này sẽ chịu hoàn toàn mọi hậu quả” - đại sứ Trung Quốc Wu Ken tuyên bố hôm 14/12 trong một sự kiện của tờ thời báo kinh tế tài chính Handelsblatt. “Chính phủ Trung Quốc sẽ không đứng ngoài cuộc” - ông Wu Ken nhấn mạnh.
Lập trường được vị đại sứ đưa ra trong bối cảnh quan điểm chống lại Huawei ngày càng tăng lên trong các nhà lập pháp thuộc chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel. Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng tuyên bố không ngăn cản các công ty Trung Quốc tham gia vào thị trường mạng viễn thông Đức, miễn là tuân thủ những tiêu chuẩn bảo mật nhất định của quốc gia này. Chính phủ Đức được cho là đang soạn thảo các quy chế bảo mật phục vụ cho dự án phủ sóng mạng 5G, một động thái có thể sẽ đòi hỏi những tiêu chuẩn chứng nhận thiết bị nghiêm ngặt.
Trong khi Chính phủ Đức vẫn đang lưỡng lự trong trường hợp của Huawei sau nhiều tháng tranh luận về vấn đề bảo mật, thì gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng liên tục đưa ra các thông điệp bác bỏ cáo buộc gián điệp, gây rủi ro an ninh quốc gia.
Suốt nhiều tháng nay, kể từ khi bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen hồi tháng 5/2019, Huawei đã lao đao vì hàng chục cáo buộc gián điệp, bảo mật, vi phạm chính sách ngoại giao quốc gia… từ Nhà Trắng. Chính phủ Mỹ không chỉ ban hành hàng loạt lệnh cấm vận nhắm vào Huawei mà còn gây áp lực cho các đồng minh cấm cửa Huawei khỏi xây dựng mạng lưới 5G thế hệ mới nếu không muốn bị Mỹ cắt mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo.
Trong hàng loạt nỗ lực nhắm vào gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc, Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ FCC dự kiến sẽ thông qua bỏ phiếu để xem xét lệnh cấm các tập đoàn viễn thông vùng nông thôn Mỹ nói riêng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên nước Mỹ nói chung sử dụng quỹ mua sắm trị giá 8,5 tỷ USD do chính phủ trợ cấp để mua thiết bị hay dịch vụ mạng từ Huawei. Theo nguồn tin từ các quan chức FCC, cơ quan này cũng có kế hoạch yêu cầu các nhà mạng loại bỏ và thay thế hoàn toàn các thiết bị có nguồn gốc từ Huawei hoặc ZTE trong mạng lưới viễn thông.
Huawei trong tháng 12 đã khởi xướng vụ kiện chống lại FCC như nỗ lực mới nhất phản ứng lại những biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại từ chính quyền Donald Trump. Khẳng định trước tòa án tối cao, Huawei tuyên bố không chịu áp lực hay bất kỳ sự chi phối nào từ Bắc Kinh trong quá trình bảo mật và mọi hoạt động khác.
Đại sứ Wu Ken cũng ủng hộ quan điểm của Huawei khi nhấn mạnh đế chế viễn thông lớn nhất thế giới không có nghĩa vụ cung cấp dữ liệu bảo mật cho Chính phủ Trung Quốc, đồng thời nhắc nhở Đức rằng 28 triệu chiếc xe hơi Đức đã được bán ra tại thị trường tỷ dân trong nam 2018. “Một ngày nào đó, phải chăng Trung Quốc có thể gạt bỏ hoàn toàn những chiếc xe Đức khỏi thị trường khi chúng tôi có năng lực sản xuất và cung cấp xe cho thị trường của mình? Không, đó hoàn toàn là chủ nghĩa bảo hộ thuần túy” - ông Wu Ken nhấn mạnh.