Bài toán khó với kinh tế Mỹ khi lạm phát lên mức cao nhất 40 năm
Sau hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, Mỹ đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao chưa từng thấy trong 40 năm. Câu hỏi được đặt ra là tình trạng lạm phát cao liệu có kéo dài?
James Paulsen, chiến lược gia tại công ty nghiên cứu đầu tư The Leuthold Group (Mỹ), cho rằng vấn đề trên sẽ không kéo dài và lạm phát sẽ ở mức vừa phải trong nửa cuối năm nay.
Theo chuyên gia này, các thị trường tài chính, từ chứng khoán, trái phiếu cho đến đồng USD đánh đi tín hiệu lạm phát cao chỉ là nhất thời.
Ông Paulsen nói thêm rằng tình hình dịch Covid-19 tại Mỹ hiện nay đã thúc đẩy nhiều người gia nhập lực lượng lao động trở lại và đây là yếu tố giúp hỗ trợ chuỗi cung ứng. Trong bốn tháng qua, lực lượng lao động Mỹ đã tăng hơn nhiều so với năm trước.
Trong khi đó, một số nhà kinh tế cho rằng lạm phát có thể tăng hơn nữa, thậm chí gây ra sự gián đoạn nhu cầu và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Đà tăng đột biến của giá dầu gần đây do xung đột Nga-Ukraine đã làm dấy lên lo ngại giá nhiên liệu cao sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khiến giá tiêu dùng tăng đột biến.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10/3 cho thấy lạm phát tại nước này đã đạt mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 2, với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại cuộc họp mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), lần tăng đầu tiên trong hơn ba năm.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh ngân hàng trung ương này phải hành động "khẩn trương" trong việc điều chỉnh lãi suất và có thể mạnh tay hơn để kiềm chế lạm phát.
Simona Mocuta, nhà kinh tế tại công ty quản lý tài sản State Street Global Advisors, cho rằng câu hỏi liệu tình hình lạm phát có cao hơn nữa hay không vẫn chưa thể có câu trả lời dứt khoát.