Hà Nội tính tăng giá nước sạch sau vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải: Giá bán thấp khiến doanh nghiệp thua lỗ?

29/10/2019 06:34 GMT+7
Sau sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải, mới đây, TP Hà Nội đang nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch. Trao đổi với Etime, nhiều chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi liệu việc tăng giá nước có kèm theo tăng chất lượng nước sạch cung cấp cho dân? Có thật chi phí sản xuất cao hơn giá bán khiến doanh nghiệp thua lỗ?

Sau sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải, Hà Nội sẽ tăng giá nước sạch?

Cụ thể, phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản gửi các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT; UBND các quận, huyện, thị xã; các nhà đầu tư dự án nước sạch chỉ đạo thực hiện Thông báo kết luận của Thường trực HĐND TP về phiên giải trình việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn TP.

Theo văn bản này, lãnh đạo Hà Nội giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch, chính sách hỗ trợ về giá nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn, nhất là các xã xa trung tâm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

Đề xuất điều chỉnh giá nước sạch của lãnh đạo UBND TP Hà Nội được đưa ra trong bối cảnh hàng vạn hộ dân Hà Nội vừa trải qua cuộc khủng hoảng nước sạch do nước sông Đà bị đầu độc dầu thải. Cho đến thời điểm hiện tại, trách nhiệm của Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) vẫn chưa được các cơ quan chức năng nhắc tới.

Các chuyên gia nói gì về phương án điều chỉnh giá nước sạch sau sự cố? - Ảnh 1.

Nguồn nước sông Đà bị nhiễm dầu thải.

Và phải đến hơn 2 tuần từ khi xảy ra sự cố dầu thải đầu độc sông Đà, Viwasupco mới phát đi thông cáo báo chí xin lỗi người dân. Trong thông cáo, công ty này thừa nhận chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp, dẫn đến lúng túng trong xử lý ban đầu, gây ra những đảo lộn trong sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh lời xin lỗi có tính "đãi bôi'' này, Viwasupco sẽ bồi thường cho dân miễn phí một tháng tiền nước, tháng mà dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

Trước sự thiếu trách nhiệm của Viwasupco, dư luận cho rằng, dù đã xin lỗi nhưng vẫn phải truy trách nhiệm của công ty này liên quan vụ việc trên.

Được biết, trước bê bối nguồn nước bị nhiễm dầu thải, Viwasupco đã để xảy ra 22 lần vỡ đường ống nước. Đơn vị này đã dùng ống nhựa Trung Quốc chất lượng thấp khiến hàng triệu người dân Hà Nội liên tục lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. 

Các chuyên gia nói gì về phương án điều chỉnh giá nước sạch sau sự cố? - Ảnh 2.

Hình ảnh hàng trăm người xếp hàng lấy nước miễn phí do nước sông Đà bị đầu độc.

Điều đáng nói hơn, sau sự cố nước sông đà bị nhiễm dầu thải, người dân mới ngả ngửa vì quy trình xử lý nước sạch của Viwasupco, khi mà Nhà máy nước sạch sông Đà không chỉ lấy nước ở sông Đà còn lấy nước ở hồ Đầm Bái. Dự án Nhà máy nước xây dựng từ năm 2004 đến nay, gần 15 năm vẫn chưa làm hồ lắng. Tỉnh Hoà Bình yêu cầu nhiều lần tuy nhiên công ty này vẫn không thực hiện xây hồ lắng.

Thế nhưng sau tất cả, người dân Hà Nội vẫn phải dùng nước do đơn vị này cung cấp. Bởi "không dùng nước của họ thì dùng nước của ai?'' là câu hỏi cho thấy sự độc quyền trong việc bán nước sạch của Viwasupco. Thực tế cho thấy, bất kỳ sự cố nào xảy ra, hàng vạn hộ dân tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm,...đều rơi vào cơn khủng hoảng nước.

Mặc dù vậy, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Viwasupco vẫn thu được mức lợi nhuận đáng mơ ước. Giữa bê bối nước sạch nhiễm dầu, Viwasupco đã công bố báo cáo tài chính quý III/2019 với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh. Cụ thể, doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ lên 138 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 28% lên 72 tỷ đồng.

Các chuyên gia nói gì về phương án điều chỉnh giá nước sạch sau sự cố? - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh của Viwasupco trong những quý qua

Tính chung 9 tháng, doanh thu của Viwasupco tăng 21% lên hơn 400 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 30% lên gần 200 tỷ đồng, vượt khá nhiều so với lợi nhuận đề ra cho cả năm là 75,5 tỷ đồng.

Trong năm 2018, mảng cung cấp nước mang về cho Nước sạch Sông Đà 469 tỷ đồng doanh thu cùng biên lãi gộp lên tới 57,1%, tỷ suất này cũng được duy trì ở mức 56,8% trong 6 tháng đầu năm nay.

Đây là những con số "đáng mơ ước'' của bất kỳ doanh nghiệp nào. Qua đây, có thể thấy rõ "sức khỏe" kinh doanh của Viwasupco vẫn rất tốt.

"Điều chỉnh giá là một nghịch lý"

Trao đổi với Etime, PGS.TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), cho biết nước sạch là một mặt hàng độc quyền vì thế Nhà nước cần kiểm soát việc tăng giá nước sạch cũng như giá cả của mặt hàng này sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế sản xuất và không gây lo ngại trong dân. "Thành phố sẽ đưa ra quyết định có tăng giá nước hay không trước những nghiên cứu, đề xuất của các cơ quan liên ngành", TS. Ngô Trí Long nói.

Theo ông Long, việc điều chỉnh giá nước đã có lộ trình cụ thể và có lẽ đã được đề xuất từ trước. Tuy nhiên cùng với đó là sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải xảy ra, vì thế đây là thời điểm khá nhạy cảm để công bố việc xem xét điều chỉnh giá.

Các chuyên gia nói gì về phương án điều chỉnh giá nước sạch sau sự cố? - Ảnh 5.

GS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính).

"Nguồn nước bị đầu độc không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày mà còn đe dọa đến tính mạng người dân. Dân dùng nước bẩn nhưng phải trả chi phí cao? Bán nước không đảm bảo nhưng "đòi" tăng giá nước? Những câu hỏi này cho thấy, việc điều chỉnh tăng giá nước sạch ở thời điểm này là một nghịch lý. Tăng giá nước phải đi đôi với chất lượng nước được đảm bảo, điều này doanh nghiệp có cam kết không?'', ông Long nói.

Cùng với ý kiến này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng việc đưa ra những lý do dẫn tới cần phải tăng giá nước sạch có thể là hợp lý nếu những chi phí đầu ra không bù đắp đủ cho những chi phí đầu vào. Tức là có khoản lỗ khi giá nước sạch thấp hơn so với giá thành sản xuất.

"Nếu những lý do này là chính xác, hợp lý thì việc tăng giá nước sạch là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các công ty kinh doanh nước sạch hiện đều có mức lợi nhuận khá lớn. Như Công ty nước sông Đà vừa qua, dù nước nhiễm dầu thải nhưng doanh thu vẫn lên tới hàng trăm triệu đồng. Như vậy, việc tăng giá có hợp lý?", ông Doanh nói.

Ngoài ra, theo ông Doanh, để tăng giá nước, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cần phải chứng minh được việc làm này là cần thiết ở thời điểm hiện tại.

"Việc đề xuất điều chỉnh giá nước vào lúc này sẽ không hợp lòng dân. Vì thế các cơ quan liên ngành nên cân nhắc việc điều chỉnh này. Ở thời điểm hiện tại, việc quan trọng nhất lúc này là các cơ quan chức năng cần thiết lập lại quy trình sản xuất, cung cấp nước của các doanh nghiệp. Cần cam kết rằng, nguồn nước khi bán ra cho dân phải đảm bảo sạch.

Nếu việc tăng giá nước là quan trọng thì nên tổ chức các cuộc hội thảo công khai. Trong đó có ý kiến đóng góp của các chuyên gia và người dân. Việc này rất quan trọng, không nên đưa ra một quyết định hành chính có tính áp đặt mà không có thảo luận với người dân", ông Doanh nhấn mạnh.

Hiện giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội được tính theo Quyết định 38 của TP, ban hành năm 2013. Thời điểm đó, TP Hà Nội quyết định tăng giá nước sinh hoạt trong 3 năm liên tiếp từ 2013-2015. Mỗi năm TP Hà Nội tăng giá nước một lần trong 3 năm liên tiếp, tính từ ngày 1/10.

Cụ thể, giá nước sinh hoạt (10 m3 đầu tiên) sau 3 năm tăng liên tiếp, đến năm 2015 có giá là 5.973 đồng/1m3. Giá nước sinh hoạt từ trên 10m3 đến 20m3, năm 2015 có giá là 7.052 đồng/1m3. Giá nước sinh hoạt từ 20m3 đến 30m3, năm 2015 có giá là 8.669 đồng/1m3. Giá nước sinh hoạt trên 30m3, năm 2015 có giá là 15.929 đồng/1m3.

Giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội được giữ ổn định từ năm 2015 đến nay. Theo phương án tính lũy kế theo mức sử dụng nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội chênh nhau tới 10.000 đồng/1 m3.

Ong Lý
Cùng chuyên mục