“Bão táp” giá vàng
Sau khi vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce trong tuần thứ hai của tháng 7, giá vàng được cộng thêm gần 100 USD mỗi ounce nữa trong tuần vừa qua, vượt qua mốc 1.900 USD/ounce.
Lập ngưỡng lịch sử mọi thời đại cho giá vàng là điều không mới, bởi theo rất nhiều dự báo trước đó đã đưa ra, vàng có thể lên ngưỡng 2.000 USD/ounce thậm chí là 3.000 USD/ounce trong tương lai gần. Chỉ có điều ít ai ngờ, đó là điều này sắp xảy ra, thậm chí ngay trong tuần này nếu với tốc độ tăng giá như diễn ra ở trong tháng 7.
Tại thị trường trong nước, dù ngăn cách với thế giới do cơ chế độc quyền nhập vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng vàng cũng kịp lên mức giả kỷ lục trong tuần qua khi có thời điểm vượt ngưỡng 55 triệu đồng/lượng. Doanh số mua bán có tăng hay không chưa có con số báo cáo, nhưng sự quan tâm của người dân là có thật.
Rót vốn vào vàng lợi nhuận cao
Trao đổi với PV, chị Ngọc Vân (Hà Nội) cho biết, là người thường xuyên bỏ một phần tiết kiệm mua vàng nhiều năm nay, nhưng chưa lần nào chị thấy giá vàng tăng nhanh và mạnh như lúc này.
“Khoảng 20 năm nay, cứ mỗi dịp công ty có thưởng là tôi dùng nguyên số tiền đó để mua vàng, không nhiều nhưng mỗi năm vài dịp, nhưng chưa bao giờ thấy vàng tăng giá tới 5 triệu đồng/lượng chỉ trong khoảng 10 ngày như trong 2 tuần qua”, chị Vân cho biết.
Vàng thực sự thành “phần thưởng” cho những người còn giữ thói quen nắm giữ thứ kim loại quý như chị Vân khi giá có lúc tăng, lúc giảm, lúc đi ngang trong nhiều năm, nhưng tính một chu kỳ dài 10-20 năm thì người nắm giữ vàng đã có lãi khá.
Có thể không lãi cao như các kênh đầu tư "nóng" như đất đai, chứng khoán, thậm chí cả gửi tiết kiệm, nhưng cái hay với những người “hợp mệnh kim” đó chính là không lỗ khi nắm giữ thứ kim loại đặc biệt này.
Trong ngắn hạn, tính từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng khoảng 25%, một mức tăng vượt trội so với tất cả kênh đầu tư khác, nhưng tất nhiên, rất nhiều nhà đầu tư sẽ phải tiếc một cơ hội trôi đi khi “không tính” được giá vàng.
Chị Minh Nguyệt (Quận 5, TP.HCM) cho hay, cuối tháng 6/2020 khi giá vàng có dấu hiệu tăng mạnh, chị đã mua một ít vàng từ nguồn tiền nhàn rỗi.
Tại thời điểm chị Nguyệt mua vào, giá vàng trong nước chưa tới 40 triệu đồng/lượng, nếu bán ra cuối tuần qua sẽ thu lãi khoảng 14 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, trong góc nhìn cá nhân, chị Nguyệt cho biết không bán ra mà mua thêm một chút trong tuần vừa rồi với kỳ vọng giá còn tăng thêm.
Vàng có còn tăng thêm được nữa không? Ðã có câu trả lời là hoàn toàn có thể, tuy nhiên, trong góc nhìn của các chuyên gia lĩnh vực này thì để có thể đoán định được thời điểm tăng là rất khó.
Ðặc thù của thị trường vàng là chỉ tăng rất nhanh trong thời gian ngắn, sau đó giảm hoặc đi ngang trong một chu kỳ dài, có thể hàng chục năm.
Vì vậy, để kiếm lời từ đầu tư vàng trong thời gian ngắn còn khó hơn rất nhiều so với chứng khoán hay bất động sản.
Vàng trong thời gian vừa qua có được mức tăng giá mạnh là nhờ hội tụ của hàng loạt yếu tố cộng hưởng. Ðầu tiên là ảnh hưởng của Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu bị suy giảm, vàng với vai trò “nơi trú ẩn cuối cùng” lên ngôi và thực tế, vàng đã tăng giá khá đều đặn từ đầu năm.
Ðến tháng 7, khi hàng loạt báo cáo kinh tế các quốc gia, các công ty không như kỳ vọng, thất nghiệp vẫn ở mức trầm trọng, xung đột Mỹ - Trung leo thang, Covid-19 tái bùng phát trở lại, các gói kích thích lại tung ra…, tất cả đều dội vào giá vàng tạo ra mức tăng đột biến.
Giao dịch vàng không chỉ sôi động trên các bảng điện tử, mà thị trường vàng vật chất cũng nghiêng về bên mua.
Các quỹ ETF vàng ghi nhận quý II có dòng vốn đổ vào cao nhất 4 năm qua, theo Bloomberg, lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ đầu tư đảm bảo bằng vàng đã lên tới gần 3.235 tấn, tăng thêm gần 656 tấn từ đầu năm tới nay. Mức tăng này cao hơn mức tăng kỷ lục được ghi nhận trong cả năm 2009.
Giữa tháng 7, Hải quan Nga công bố báo cáo cho biết, lần đầu tiên trong 26 năm, nước này xuất khẩu vàng 6 tháng đầu năm có giá trị lớn hơn cả khí đốt.
Ðất nước có trữ lượng vàng hàng đầu thế giới này riêng trong tháng 4 đã xuất khẩu tới 41,8 tấn vàng, gấp 14 lần so với cùng kỳ, đạt giá trị 2,2 tỷ USD. Người mua chủ yếu đến từ Vương quốc Anh với giá trị mua vào 1,6 tỷ USD.
Theo báo cáo của Invesco vừa công bố trong tuần qua, 18% ngân hàng trung ương có kế hoạch tăng nắm giữ vàng trong năm tới, trong khi 23% các quỹ đầu tư quốc gia có ý định tăng cường nắm giữ vàng.
Trước đó, theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới năm 2019, các ngân hàng trung ương thế giới mua khoảng 700 tấn vàng.
Ðây là số lượng vàng mà các ngân hàng trung ương thế giới mua vào nhiều nhất trong 6 năm qua. Còn các quỹ đầu tư vàng trên thế giới đang nắm giữ khoảng 3.000 tấn vàng và cũng là số vàng nắm giữ nhiều nhất.
Nhà đầu tư trong nước cẩn trọng
Theo chuyên gia cấp cao lĩnh vực vàng - ông Huỳnh Trung Khánh, một khi dịch Covid-19 còn hoành hành và chưa có vắc-xin phòng ngừa, các nhà đầu tư vẫn tìm đến vàng, thì giá mặt hàng này còn cơ hội tăng.
Hết tuần qua, vàng ghi nhận tuần thứ 7 tăng giá liên tiếp, dài nhất kể từ năm 2011. Về xu hướng cũng khả quan khi các hợp đồng mua bán vàng tương lai chốt giá tháng 12/2020 có thời điểm đã chạm mốc 1.927 USD/ounce, trên mức kỷ lục mọi thời đại đạt được vào tháng 9/2011.
Thế nhưng, khuyến cáo được đưa ra từ ông Khánh, nhà đầu tư không nên “lướt sóng” vàng. Ðồng thời, nếu khôn ngoan, nhà đầu tư cũng không nên rút hết tiết kiệm để chuyển sang mặt hàng kim loại quý này, mà cần phân bổ danh mục đầu tư hợp lý bởi rủi ro giá đảo chiều ngắn hạn là hiện hữu.
Nếu hỏi ai thạo thị trường vàng nhất ở Việt Nam, thì câu trả lời chính là các công ty kinh doanh vàng. Có một đặc điểm dễ nhận thấy khi giá vàng ở mức “rủi ro”, đó chính là khoảng cách niêm yết giá mua và bán.
Thời điểm cuối tuần trước, khoảng cách này đã lên tói 1,3 triệu đồng/lượng, gấp khoảng 3 lần bình thường, đây là chỉ báo cho thấy chính các công ty kinh doanh vàng đã phải phòng ngừa rủi ro cho mình bằng việc để giá mua vào thấp hơn đáng kể so với giá bán ra.
Một rủi ro nữa với những ai có ý định mua vàng lướt sóng thời điểm này, đó chính là sự thiếu liên thông giữa vàng trong nước và vàng quốc tế bởi cơ chế độc quyền nhập khẩu vàng, nên diễn biến giá trong nước có thể khác biệt so với giá vàng quốc tế.
Chủ tịch HÐQT của một doanh nghiệp vàng lớn cho hay, do thị trường vàng nội địa đã không liên thông với quốc tế (cấm xuất, nhập) trong nhiều năm nay nên lượng vàng miếng SJC hiện cũng chỉ được gom trên thị trường khi khách bán ra.
Một điểm đáng chú ý khác đó là cách đây 10 năm, hình thức đầu tư trên “sàn vàng” (không phải vàng vật chất) cũng đã bị đóng cửa, nhà đầu tư sẽ không có kênh để giảm thiểu rủi ro khí giá đảo chiều.
Với những người dân quan tâm, theo lời khuyên của chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, vàng vẫn có cơ hội tăng giá trong thời gian tới do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng mức độ tăng giá cao hay thấp là khó dự báo.
Vì vậy, những người đang nắm giữ vàng khi mua với giá thấp trước đây có thể tiếp tục nắm giữ chờ giá lên cao hơn mới chốt lời. Còn với những người chưa xuống tiền cũng có thể xem xét mua nếu giá vàng đảo chiều giảm giá, nhưng trong mọi trường hợp mua bán thì không nên dùng tiền vay để đầu tư bởi rủi ro lúc nào cũng tồn tại.
Trên thực tế, vào cuối giờ chiều ngày thứ Sáu tuần trước, giá vàng đã giảm nhẹ khoảng 300.000 - 700.000 đồng/lượng.