Bất động sản khu công nghiệp ‘không dễ ăn’ trong mùa dịch

12/08/2020 15:38 GMT+7
Nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả những công ty đầu ngành như Becamex, Tín Nghĩa, Thanh Lễ, Sonadezi... có lợi nhuận giảm trong quý II do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hoạt động đầu tư thấp. Chuyên gia chỉ ra hầu hết giao dịch cho thuê trong nửa đầu năm bắt nguồn từ các dự án và các cuộc thương thảo đã diễn ra từ năm ngoái.

Một nửa doanh nghiệp có lợi nhuận quý II giảm

Theo số liệu từ Fiin Pro, trong quý II, tổng doanh thu của 22 doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 10.283 tỷ đồng. Cùng với doanh thu, tổng lợi nhuận sau thuế cũng giảm 5% còn 1.552 tỷ đồng.

Một nửa số doanh nghiệp được khảo sát đều có doanh thu và lợi nhuận giảm trong quý II, như Becamex (UPCoM: BCM),  Tân Tạo (HoSE: ITA), Kinh Bắc (HoSE: KBC)...  Các doanh nghiệp giảm kết quả kinh doanh này chiếm 82% doanh thu và 33% lợi nhuận cả ngành quý này.

Bất động sản khu công nghiệp ‘không dễ ăn’ trong mùa dịch - Ảnh 1.

Đơn vị: tỷ đồng

Đáng chú ý, công ty sở hữu diện tích khu công nghiệp lớn nhất cả nước là Becamex (chuẩn bị niêm yết HoSE) có doanh thu giảm 39% còn lợi nhuận giảm 59% trong quý II, lần lượt đạt 1.254 tỷ đồng và 248 tỷ đồng. Quý lãi này thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Tân Tạo hay Kinh Bắc đều có mức giảm sâu, doanh thu lần lượt giảm 42% và 84% còn lợi nhuận giảm 71% và 96%. Các công ty như Tín Nghĩa (UPCoM: TID), IDICO (HNX: IDC) với doanh thu nghìn tỷ đồng mỗi quý cũng đều giảm.

Doanh nghiệp có mức lợi nhuận và mức tăng trưởng "3 chữ số" quý này là Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) nhưng không đến từ cho thuê khu công nghiệp. Lợi nhuận sau thuế đạt 371 tỷ đồng, tăng 153% cùng kỳ đến từ việc tăng lãi tiền gửi và cho tay, hoàn nhập các khoản dự phòng phải thu khó đòi thu hồi công nợ.

Một số doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trong quý II còn có Sonadezi (UPCoM: SNZ) và Long Hậu (HoSE: LHG) và KCN Tín Nghĩa (TIP). Trong đó Sonadezi lãi 411 tỷ đồng, tăng 88% cùng kỳ, đến từ hiệu quả kinh doanh khu công nghiệp, nhà và hạ tầng tại đơn vị thành viên.

Tình hình kinh doanh 6 tháng của nhóm doanh nghiệp trên cũng ghi nhận sự suy giảm chung cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Tổng doanh thu giảm 17% còn 18.943 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 59% còn 2.450 tỷ đồng.

Rào cản dịch bệnh

Tân Tạo cho biết nguyên nhân lợi nhuận giảm trong quý II là ảnh hưởng từ Covid-19, kết quả thu hút đầu tư thấp. Do đó, doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng giảm 47% so với cùng kỳ.

Đối với Đô thị Kinh Bắc, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chỉ 1,7 tỷ đồng, giảm 99% cùng kỳ và thấp nhất trong 7 năm. Nguyên nhân được công ty nêu ra vẫn nằm ở tình hình dịch bệnh khiến doanh thu bị suy giảm. Theo đó, doanh thu cho thuê khu công nghiệp quý II giảm 54% cùng kỳ.

Bất động sản khu công nghiệp ‘không dễ ăn’ trong mùa dịch - Ảnh 2.

Khu công nghiệp Tràng Duệ của Đô thị Kinh Bắc. Ảnh: KBC

Trong bản cáo bạch, ông trùm khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam - Becamex xác định giai đoạn 2020 - 2021, tác động của dịch bệnh và dự báo kéo dài, diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là một phần nguyên nhân khiến Becamex đặt kế hoạch giai đoạn 2020 - 2021 đều giảm so với các năm trước. Nguồn thu từ bất động sản khu công nghiệp năm 2020 được Becamex giảm tỷ trọng từ 61% năm trước còn 23%.

Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết hầu hết giao dịch cho thuê trong nửa đầu năm bắt nguồn từ các dự án và các cuộc thương thảo đã diễn ra từ năm ngoái. Trong khi đó, nhiều hợp đồng thuê được thực hiện bởi các công ty đã có mặt tại Việt Nam và đang tìm cách mở rộng sản xuất. Các chính sách hạn chế đi lại giữa các nước đã ảnh hưởng đến nhu cầu gia nhập thị trường, làm hoãn lại các đợt khảo sát mặt bằng của các nhà đầu tư quốc tế lớn, khiến số lượng hợp đồng thuê được ký kết với các nhà phát triển trong nước giảm mạnh.

Mặc dù đánh giá ngành công nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc nhưng đại diện Savills Việt Nam vẫn cho rằng không gì có thể đảm bảo cho sự thuận lợi của năm tới. Nhiều chủ thuê đang chuẩn bị nguồn lực để nắm bắt và đáp ứng những cơ hội sắp tới ngay khi các rào cản được dỡ bỏ.

Điều này cũng khá phù hợp với số liệu 7 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 18,82 tỷ USD, giảm 7% cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10,12 tỷ USD, giảm 4%, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Cũng theo Cục này, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án FDI vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mặc dù vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn tăng lên, song vẫn chủ yếu tăng nhờ các dự án lớn, đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó.

Tiềm năng phía trước

Tính đến tháng 6, cả nước có 336 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 97.800 ha. Trong đó, 261 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 còn lại đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, bắt đầu xây dựng. Công suất thuê đạt 76% trên tổng các khu công nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, dưới tác động tiêu cực của Covid-19, vốn thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài giảm trong 7 tháng đầu năm nhưng mức độ giảm đang cải thiện dần so với các tháng trước đó. Trong 7 tháng đầu năm và đặc biệt trong tháng 7, hàng nghìn chuyên gia của Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật Bản tiếp tục được hỗ trợ nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì và mở rộng sản xuất.

Báo cáo của SSI Research từ tháng 5 chỉ ra Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển ngành khu công nghiệp trong năm 2020 - 2021. Bên cạnh dòng vốn FDI còn có yếu tố đẩy nhanh vốn đầu tư công giúp gia tăng kết nối và logistic; số lượng và diện tích cho thuê của các khu công nghiệp vẫn tiếp tục tăng trong quý I.

Trong khi đó, 7 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công tăng 27% cùng kỳ năm trước, đạt 203.000 tỷ đồng và hoàn thành 43% kế hoạch năm. Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nếu giải ngân hết 630.000 tỷ đồng vốn đầu tư công sẽ góp phần vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm. Do đó, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay.

Một tín hiệu khác, DealStreet Asia đưa tin Tập đoàn bất động sản LOGOS - thành viên của Công ty quản lý quỹ ARA – có trụ sở tại Sydney cho biết đang huy động 1,2 tỷ USD để thâm nhập vào thị trường Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó rót vào Việt Nam khoảng 400 triệu USD. LOGOS cũng đã bổ nhiệm Glenn Hughes, cựu Giám đốc quản lý vốn PwC Việt Nam làm người đứng đầu tại Việt Nam vào tháng 1. Điều này như một yếu tố mới thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng nhóm ngành bất động sản công nghiệp trong tương lai.

Khổng Chiêm/NDH
Cùng chuyên mục